Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết những binh lính bị bắt giữ đến từ Philippines và Fiji. “Trong một cuộc giao tranh ngày 27-8 giữa Lực lượng Vũ trang Ả Rập Syria và các nhóm vũ trang khác ở cao nguyên Golan, 43 thành viên gìn giữ hòa bình của LHQ thuộc Lực lượng giám sát ngừng bắn (UNDOF) – đến từ Fiji - đã bị bắt gần khu vực Al Qunaytirah” – văn phòng báo chí của LHQ thông báo.
Ngoài ra, 81 nhân viên UNDOF đến từ Philippines bị mắc kẹt tại các vùng phụ cận Ar Ruwayhinah và Burayqah.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant tiết lộ các chiến binh Hồi giáo đang bao vây những người bị mắc kẹt, trong khi LHQ nỗ lực tìm biện pháp giải thoát cho nhân viên của mình.
Hiện có khoảng 1.223 thành viên UNDOF (người Fiji, Ấn Độ, Ireland, Nepal, Hà Lan và Philippines) giám sát một dải đất hẹp chạy dài 70 km từ núi Hermon thuộc biên giới Lebanon đến sông Yarmouk giáp Jordan.
Sau khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, Áo, Nhật Bản và Croatia thu hồi binh lính đang phục vụ cho UNDOF do lo ngại vấn đề an ninh.
Liên quan đến quyết định không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28-8 thừa nhận trước các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu trong Phòng Tình huống rằng Washington vẫn “chưa có một chiến lược cụ thể nào” để chống lại tổ chức này.
Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang yêu cầu các nhà lập pháp bỏ phiếu về kế hoạch mở rộng cách thức trấn áp Nhà nước Hồi giáo, tuy nhiên, ông Obama tin rằng Mỹ sẽ chẳng nhận được lợi lộc gì nếu dấn thân vào cuộc nội chiến tại Syria.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng bỏ qua kế hoạch can thiệp quân sự để trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad cách đây 1 năm với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Cho đến hiện tại, các chiến dịch chống IS của Mỹ cũng chỉ giới hạn tại Iraq.
Dù vậy, ông Obama cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel chuẩn bị phương án đối đầu IS, đồng thời cử Ngoại trưởng John Kerry tới Syria để thiết lập liên minh.
Tổng thống Obama phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28-8. Ảnh: Reuters
Sau cuộc họp báo, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest mô tả lại ý của ông Obama, đề cập đến các lựa chọn quân sự nếu tham chiến tại đây. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn đề ra chiến lược toàn diện, ngoài việc không giới hạn các hoạt động quân sự, ông Obama còn muốn giải quyết mâu thuẫn sắc tộc giữa người Shiite và Sunni ở Iraq, lực lượng đã tham gia vào trận chiến phe phái và hỗ trợ quân nổi dậy dòng Sunni ở Syria.
Có vài vấn đề mà chính quyền Tổng thống Obama phải cân nhắc, đó là mức độ tin cậy của thông tin tình báo Mỹ về IS tại Syria; mục tiêu và giới hạn của các cuộc không kích; cơ sở pháp lý, chính trị và ngoại giao.
Bình luận (0)