Mosul là thành trì cuối cùng của IS tại Iraq. Nếu để mất thành phố này, tham vọng thành lập “Đế chế Hồi giáo” của IS tại đây coi như sụp đổ.
Trước khi bước vào trận chiến khốc liệt ở thành phố phía Bắc Iraq này, Thủ tướng Haider al-Abadi yêu cầu các lực lượng vũ trang “tôn trọng nhân quyền và chăm sóc những người phải di dời vì chiến sự”.
Cảnh sát liên bang Iraq sẽ phụ trách tấn công các huyện nằm ở bờ Tây sông Tigris, từ đó chuẩn bị đánh chiếm sân bay Mosul. Họ đã tới Zakrutiya – cách sân bay khoảng 5 km về phía Nam – vào tối 19-2 (giờ địa phương).
Cảnh sát liên bang đã chiếm được một trạm phát điện trên đường đi, giết chết nhiều tay súng IS, trong đó có các tay súng bắn tỉa. Đơn vị phản ứng nhanh thuộc Bộ Nội vụ Iraq cũng tham gia hoạt động tái chiếm một số ngôi làng này. Hầu hết các ngôi làng đều bị bỏ hoang.
Trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu, thừa nhận cuộc chiến ở Mosul sẽ là một cuộc chiến khó khăn cho bất kỳ đội quân nào trên thế giới. Cho đến nay, liên quân Mỹ đã tiến hành hơn 10.000 cuộc không kích vào các mục tiêu IS tại Iraq, đồng thời đào tạo và trang bị cho hơn 70.000 quân nhân Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chiến dịch phát động hôm 19-2. Ông chỉ nói liên quân Mỹ hỗ trợ chiến dịch này và sẽ tiếp tục nỗ lực tiêu diệt IS.
Trước đó, hôm 18-2, máy bay của quân đội Iraq thả hàng triệu tờ rơi ở phía Tây Mosul để cảnh báo cư dân về các hoạt động quân sự hạng nặng sắp diễn ra. Các tờ rơi cũng kêu gọi thành viên IS “hoặc đầu hàng hoặc bị giết”.
IS được cho là có khoảng 6.000 tay súng chiến đấu ở Mosul khi cuộc tấn công của quân chính phủ bắt đầu vào giữa tháng 10-2016. Trong số đó, hơn 1.000 tên đã thiệt mạng cho đến giờ, theo ước tính của Baghdad.
Số còn lại đang phải đối mặt với liên quân với quân số ước tính 100.000 người, bao gồm lính dù tinh nhuệ, cảnh sát, lực lượng bán quân sự người Kurd và các nhóm dân quân người Shiite do Iran đào tạo.
Các tay súng IS đang bị vây hãm ở phía Tây thành phố sau khi bị đánh bật khỏi phía Đông. Khoảng 650.000 dân thường cũng bị mắc kẹt ở đó.
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq Lise Grande dự báo ít nhất 400.000 dân thường có nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa do chiến dịch mới nhất nói trên.
Nhiều người dân ở phía Tây Mosul đang trong tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trong lúc các khu chợ ngừng hoạt động.
Bình luận (0)