Ngoài hội đàm với Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz, Tổng thống Mỹ còn dự hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với các nước thành viên Ả Rập Saudi, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Qatar và Oman ngày 21-4.
Tháp tùng Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết Mỹ đang tìm kiếm sự trợ giúp trong các hoạt động quân sự và hải quân để đối phó những hành động gây bất ổn của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, những khúc mắc trong mối quan hệ đối tác chiến lược 71 năm giữa Mỹ - Ả Rập Saudi đang đe dọa mục đích chuyến đi.
Đài BBC bình luận người Ả Rập Saudi xem Tổng thống Obama là hiện thân sống động cho nỗi thất vọng của họ về chính quyền Mỹ hiện nay. Đối lại, Nhà Trắng cũng có những điều không hài lòng đối với Riyadh. Tuy 2 nước này vẫn còn cần nhau nhưng quan hệ song phương đang trải qua thời điểm căng thẳng hơn bao giờ hết kể từ cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1973.
Việc Mỹ ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran đã làm tổn hại quan hệ với Ả Rập Saudi, đối thủ lớn nhất của Tehran trong khu vực. Các nước dòng Sunni thuộc GCC lo ngại bước đi này sẽ càng thúc đẩy Iran, một quốc gia Shiite, tranh giành ảnh hưởng. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Mỹ như xát muối vào vết thương khi tuyên bố Ả Rập Saudi cần tìm cách chia sẻ tình lân bang với Iran khi trả lời phỏng vấn tạp chí The Atlantic số tháng 4-2016.
Ông Obama thậm chí bình luận rằng chính sự cạnh tranh giữa Riyadh và Tehran đã góp phần khơi mào các cuộc chiến tranh và sự hỗn loạn ở Syria, Iraq và Yemen.
Bất đồng còn xuất phát từ chuyện quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật cho phép công dân nước này kiện Ả Rập Saudi vì cáo buộc dính líu đến sự kiện khủng bố 11-9-2001. Riyadh đã dọa sẽ bán số tài sản Mỹ trị giá vài trăm tỉ USD nếu dự luật được thông qua. Trong nỗ lực xoa dịu đồng minh, ông Obama lên tiếng phản đối dự luật trước khi đến Ả Rập Saudi. “Đây sẽ là chuyến đi khó khăn” - chuyên gia Ilan Goldenberg, thuộc Trung tâm Vì nền an ninh mới của Mỹ, đánh giá.
Bình luận (0)