Assange chạy vào đại sứ quán này vào tháng 6-2012 và từ đó, Sở Cảnh sát London (Scotland Yard) đã chi 14 triệu USD - tương đương 8,3 triệu bữa ăn miễn phí, 39.000 ngày viện phí hay lương cả năm của 459 giáo viên - để canh giữ ông.
Mỗi ngày, cảnh sát London phải chi 11.000 bảng Anh (16.860 USD) cho một tổ canh gác 3 người, gồm 1 sĩ quan tuần tra cổng ra vào Đại sứ quán Ecuador và 2 người trông chừng không để Assange cải trang trốn ra. “Tổng chi phí canh giữ cho giai đoạn từ tháng 6-2012 đến tháng 10-2014 là 9 triệu bảng Anh” - người phát ngôn Scotland Yard cho trang Sputnik News biết.
Tính đến nay, Scotland Yard đã chi 5,5 triệu bảng (8,4 triệu USD) tiền lương và 1,8 triệu bảng (2,7 triệu USD) tiền làm ngoài giờ cho các sĩ quan tuần tra khu nhà sứ quán ở trung tâm London.
Bà Kristinn Hrafnsson, người phát ngôn của WikiLeaks, chê trách việc tiêu tốn một khoản tiền lớn để canh giữ Assange là đáng xấu hổ, trong khi Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg cho rằng ông này nên đến Thụy Điển đối mặt với các cáo buộc nhắm vào mình.
Phát biểu trên đài phát thanh LBC, ông Clegg mô tả tình thế hiện nay khiến cả người nộp thuế ở Anh lẫn chính phủ Thụy Điển đều bực bội. Sự việc dây dưa đến mức có người chất vấn ông Clegg tại sao chính phủ không đóng cửa đại sứ quán và bắt luôn Assange. Phó Thị trưởng London, ông Stephen Greenhalgh, cũng không hài lòng khi gánh nặng tiền bạc lại đổ lên vai người dân.
Assange trở nên nổi tiếng vào năm 2006 khi ông lập ra trang WikiLeaks chuyên tiết lộ tài liệu mật. Năm 2010, trang web này công bố 250.000 bức điện mật của ngành ngoại giao Mỹ. Năm 2012, sau bị tòa án Anh trục xuất, Assange tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Assange quyết không sang Thụy Điển vì cho rằng đó là âm mưu giao ông cho Mỹ. Trong khi đó, các nhà điều tra Thụy Điển không chịu đến London thẩm vấn nghi phạm với lý do làm vậy sẽ phản tác dụng.
Bình luận (0)