Đại diện Taliban hôm 9-7 khẳng định phong trào này đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan, một tuyên bố bị Kabul bác bỏ sau đó. Dù vậy, giới chức Afghanistan thừa nhận các tay súng Taliban đang tận dụng sự rút quân của NATO để tấn công và chiếm giữ một số địa phương, trong đó có một quận quan trọng ở tỉnh Herat, thị trấn Torghundi nằm sát biên giới với Turkmenistan, cửa khẩu lớn nhất giữa Afghanistan và Iran...
Theo Reuters, an ninh bất ổn khiến hàng trăm nhân viên an ninh và người tị nạn Afghanistan tiếp tục chạy sang Iran và Tajikistan, làm dấy lên nỗi lo tại Nga và Trung Quốc về nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan xâm nhập Trung Á.
Theo trang Bloomberg, Moscow đã tìm kiếm sự bảo đảm từ Taliban rằng phong trào này tôn trọng biên giới các nước Trung Á. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm 3 nước Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan từ ngày 12 đến 16-7 để thảo luận về tình hình Afghanistan.
Theo ông Vương, nhiệm vụ cấp thiết nhất ở Afghanistan lúc này là "duy trì ổn định, ngăn chiến tranh và hỗn loạn". Với Bắc Kinh, một trong những mối bận tâm lớn là an ninh của các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỉ USD. Pakistan trước mắt cho biết sẽ không mở cửa biên giới đón nhận người tị nạn từ nước láng giềng Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đến căn cứ không quân Bagram ở thủ đô Kabul hôm 9-7 sau khi lực lượng Mỹ rời khỏi đó Ảnh: Reuters
Ông Farid Mamundzay, Đại sứ Afghanistan tại Ấn Độ, cáo buộc Taliban có liên hệ chặt chẽ với khoảng 20 nhóm khủng bố hoạt động khắp khu vực và hoạt động của họ là mối đe dọa an ninh lớn.
Một số chuyên gia cũng lo ngại tình trạng bất ổn tại Afghanistan có thể lan rộng sang các nước khác trong vùng. Trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo này, một quan chức Taliban tên Shahabuddin Delawar hôm 9-7 khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, cũng như lãnh thổ này sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại các nước láng giềng.
Ông Delawar đưa ra phát biểu này khi đang cùng 2 quan chức Taliban khác có mặt ở thủ đô Mowcow - Nga. Trước đó một ngày, phái đoàn này đưa ra cam kết Taliban sẽ không tấn công biên giới Afghanistan - Tajikistan.
Ngoài nỗi lo an ninh, giao tranh tiếp diễn còn đe dọa đến nỗ lực đưa hàng viện trợ và thuốc men từ bên ngoài vào Afghanistan. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ít nhất 18,4 triệu người dân nước này đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 3,1 triệu trẻ em.
Bình luận (0)