Với việc al-Qaeda bị loại trừ ở Afghanistan và trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, Tổng thống Biden khẳng định sứ mệnh quân sự của Mỹ tại quốc gia này đã hoàn thành.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo phần lớn binh sĩ nước này đã rút khỏi Afghanistan sau cuộc xung đột kéo dài 2 thập kỷ.
Hành động của Anh - Mỹ diễn ra kể cả khi phong trào Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến. Trong tuyên bố ngày 9-7, Taliban thông báo đã giành quyền kiểm soát Islam Qala - cửa khẩu lớn nhất của Afghanistan với Iran. Đây là cửa khẩu quan trọng thứ hai mà phong trào này chiếm được kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự vào đầu tháng 5, khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút khỏi Afghanistan.
Quân chính phủ Afghanistan canh gác tại một điểm kiểm tra an ninh ở quận Guzara, tỉnh Herat - Afghanistan vào ngày 9-7 Ảnh: REUTERS
Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Nga đã bắt đầu kế hoạch lấp đầy khoảng trống quân sự và ngoại giao do Mỹ và đồng minh để lại ở Afghanistan. Tại thủ đô Tehran, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif chủ trì cuộc họp giữa phái đoàn Taliban và chính phủ Afghanistan.
Trong tuyên bố chung ngày 8-7, hai phía nhất trí về việc Taliban không ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, trường học, nhà thờ Hồi giáo và bệnh viện để hướng đến một thỏa thuận về tương lai của Afghanistan.
Trong khi đó, Nga tìm kiếm cam kết của Taliban về việc không để vùng biên giới phía Bắc của Afghanistan trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công nhằm vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Theo giới phân tích, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã tạo ra rủi ro an ninh đối với khu vực sườn Nam của Nga, đặc biệt là khi đã có hàng ngàn binh sĩ Afghanistan bỏ chạy sang nước láng giềng Tajikistan, nơi đặt căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Nga.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ra đề nghị có điều kiện liên quan đến việc điều động binh sĩ tham gia sứ mệnh do NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) giám sát nhằm bảo vệ sân bay quốc tế Kabul.
Bình luận (0)