Tổng thống Donald Trump vừa quyết định rút 7.000 trong số khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, nhiều khả năng là vào mùa hè này. Điều này làm dấy lên lo ngại mới về hành động bốc đồng của ông Trump, đặc biệt là khi nó được đưa ra gần như cùng lúc với động thái rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria bất chấp lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (người sau đó quyết định từ chức). Tuy nhiên, việc Mỹ giảm quy mô sứ mệnh ở Afghanistan có lẽ là điều không thể tránh khỏi. Có thể đã đến lúc binh sĩ Mỹ phải rời khỏi nước này.
Không có quốc gia nào trên thế giới tượng trưng cho sự sụt giảm sức mạnh của Mỹ nhiều như Afghanistan. Hầu như không thể giành được chiến thắng quân sự trước phong trào Taliban và để lại một nền dân chủ "tự lực cánh sinh" - một thực tế mà cộng đồng chính sách ở Washington hầu như không thể chấp nhận.
Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Iran đang tranh nhau xúc tiến các dự án năng lượng và khai khoáng tại Afghanistan và các nước láng giềng. Trái lại, Mỹ dường như có ít tương lai thương mại tại quốc gia Nam Á này dù đã bỏ ra khoảng 45 tỉ USD/năm ở đó. Tổng phí tổn của cuộc chiến có thể lên đến 2.000 tỉ USD nếu tính luôn các chi phí dài hạn, theo một nghiên cứu của Trường ĐH Brown (Mỹ). Tất cả điều đó chỉ để giúp đỡ một chính phủ bất ổn và dễ có nguy cơ tan rã một khi viện trợ chấm dứt.
Ngược lại, Afghanistan lại tượng trưng cho chiến thắng của các lực lượng địa phương đang tranh giành lãnh địa. Các bộ tộc, lãnh chúa và mạng lưới kiểu mafia kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy đang kiểm soát những khu vực rộng lớn tại đó. Để lý giải cho thực trạng khó khăn hiện nay, chuyên gia người Anh Anatol Lieven viết trên Tạp chí National Interest (Mỹ) rằng "tiền của Mỹ bị trộm không có nghĩa là lãng phí" bởi chúng được dùng để trả cho các thủ lĩnh bộ tộc nhằm ngăn họ gia nhập Taliban hoặc trở thành các lãnh chúa đối đầu nhau.
Các thành viên thủy quân lục chiến Mỹ tập trung tại trại quân sự ở tỉnh Helmand - Afghanistan hồi năm ngoái Ảnh: AP
Phong trào Taliban vẫn tiếp tục giành thắng lợi trên chiến trường và sẵn sàng chia sẻ quyền lực với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được Mỹ hậu thuẫn nếu hòa đàm thật sự diễn ra. Đó là chưa nói đến kịch bản cuối cùng Taliban có thể thay thế cả chính quyền ông Ghani. Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, đang nỗ lực làm trung gian cho một giải pháp ngoại giao cho phép Mỹ giảm quân mà không khiến nền tảng chính trị ở Kabul tan rã tức thì. Đây có thể là lý do thực sự khiến Mỹ tiếp tục chi mạnh tay ở Afghanistan. Hành động rút quân đột ngột khỏi Afghanistan có thể bị xem là một biểu tượng mới của sự suy giảm quyền lực cứng của Mỹ.
Ngoài ra, còn có nỗi lo Afghanistan rơi vào hỗn loạn và tiếp tục trở thành nơi trú ẩn cho một nhóm khủng bố quốc tế quyết thực hiện vụ tấn công với quy mô tương tự sự kiện 11-9-2001 tại Mỹ. Dĩ nhiên là những quốc gia như Yemen, Somalia có thể cũng trở thành một nơi trú ẩn như thế. Vấn đề là hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan nhằm xoa dịu nỗi lo về những kết cục tồi tệ hơn là kỳ vọng về những kết quả tốt hơn. Giờ đây, Washington chỉ còn biết trông mong ông Khalilzad, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm sinh ở Afghanistan, mang lại một giai đoạn ổn định nhất định.
Trong khi đó, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Ấn Độ, Iran đều có thể hưởng lợi từ các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan nhiều hơn chính Washington. Sự hiện diện của lực lượng Mỹ có thể bảo đảm đủ an ninh cần thiết cho các hành lang năng lượng và vận tải định hình, cũng như giúp lực lượng Nga chống phần tử khủng bố Hồi giáo ở biên giới phía Nam. Kết quả là các đối thủ của Washington xây dựng đế chế của riêng họ từ sự suy yếu của Mỹ. Có ý kiến cho rằng sự sụp đổ của chính phủ thân Mỹ ở Kabul sẽ cho phép những quốc gia trên có được chỗ đứng vững chắc hơn ở Afghanistan. Tuy nhiên, khi đó chuyện ổn định quốc gia này sẽ trở thành cơn đau đầu của họ.
Sau khi rút quân, một nhà ngoại giao Mỹ có thể được Washington giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của Afghanistan và các nước láng giềng quan tâm đến việc ngăn chặn các nhóm khủng bố lập căn cứ ở Nam và Trung Á. Chỉ có điều, không ai kỳ vọng chính quyền ông Donald Trump, đang trong tình trạng hỗn loạn, thiếu nhân lực và năng lực, có thể đảm đương chuyện này, nhất là sau sự ra đi của ông Mattis.
Liệu Mỹ có nghĩa vụ ở lại vì người dân Afghanistan hay không? Câu trả lời là không nếu những mục tiêu đề cập ở trên dường như không thể đạt được. Việc chi hàng tỉ USD và đóng hàng ngàn quân lâu dài ở đó nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ngày càng nghiêm trọng đơn thuần không phải là chính sách bền vững. Một phần nhỏ của khoản tiền này có thể được sử dụng hiệu quả hơn cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh ở châu Á để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Việc rút quân không nên diễn ra đột ngột mà được tiến hành từ từ để ông Khalilzad có thêm thời gian dàn xếp với các đồng minh. Ngoài ra, không nên công khai tất cả thời gian biểu liên quan đến hoạt động rút quân để tránh bị kẻ thù khai thác. Tóm lại, rời Afghanistan là quyết định khó tránh bởi quốc gia này giờ đây giống như những tàu sân bay khổng lồ và cực kỳ đắt đỏ mà Mỹ tiếp tục chế tạo nhưng chúng lại ngày càng lỗi thời trong thời đại công nghệ tên lửa tinh vi và vũ khí siêu thanh.
Bình luận (0)