Các quốc gia vùng Vịnh vốn không ưa tổ chức Anh em Hồi giáo của cựu Tổng thống Mohamed Morsi ngày 9-7 công bố cam kết viện trợ 8 tỉ USD cho Ai Cập nhằm bày tỏ sự ủng hộ với cuộc đảo chính của quân đội nước này.
Mạnh tay nhất là Ả rập Saudi với 3 tỉ USD bằng tiền mặt và các khoản vay cùng một lô hàng nhiên liệu 2 tỉ USD. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) viện trợ khoảng 1 tỉ USD và 1 khoản vay 2 tỉ USD.
Người dân Ai Cập tụ tập phía trước Tòa án Hiến pháp Tối cao sau khi chánh án Adli Mansour
tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời. Ảnh: AP
Trong khi đó, nội bộ liên minh chống lại ông Morsi trước đây cho thấy dấu hiệu rạn nứt khi nhóm Mặt trận cứu nguy Ai Cập (NSF) bác bỏ lịch trình tổng tuyển cử mà Tổng thống lâm thời Adli Mansour đề ra nhằm chấm dứt bất ổn.
Anh em Hồi giáo và phong trào Tamarod ủng hộ ông Morsi cũng bác bỏ thông báo về bầu cử và sửa đổi hiến pháp của ông Mansour, được công bố một ngày sau khi 55 người ủng hộ ông Morsi bị bắn chết. Nhân vật đứng đầu Anh em Hồi giáo, ông Essam al-Erian, nói rằng kế hoạch trên “không có giá trị và bất hợp pháp”.
Ngoài ra, ông Mansour đã bổ nhiệm cựu bộ trưởng tài chính Ai Cập năm 2011 Hazem El-Beblawi làm thủ tướng tạm quyền và thông qua Tuyên bố Hiến pháp gồm 33 điều. Giữa tình thế rối ren, Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah el-Sisi cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực làm gián đoạn quá trình chuyển đổi “khó khăn” của đất nước.
Về phía Mỹ, chính phủ nước này ủng hộ lộ trình hướng tới cuộc bầu cử của chính phủ lâm thời Ai Cập. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Barack Obama từ chối trả lời câu hỏi liệu sự can thiệp của quân đội tại Ai Cập có phải là cuộc đảo chính hay không, đồng thời cho biết chỉ muốn theo dõi “một cách thận trọng” về kế hoạch bầu cử.
Quân đội canh giữ phía trước đài truyền hình ở Cairo ngày 9-7. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 9-7 đã triệu Đại sứ Tunisia tại Cairo để bày tỏ sự "bất ngờ” trước tuyên bố của chính phủ nước này về tình hình hiện nay tại Ai Cập.
Trước đó, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki lên án vai trò của quân đội Ai Cập trong việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Phi tổ chức một cuộc họp bất thường về tình hình nước này.
Ai Cập cũng triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Cairo với lý do tương tự.
Bình luận (0)