Chính thức mà nói, Al-Adnani giữ chức vụ người phát ngôn của IS. Hắn bị tên lửa máy bay bắn hạ tại một địa điểm gần Aleppo, thủ phủ tỉnh cùng tên đông dân nhất của Syria. Địa điểm này chính xác ở đâu chưa rõ bởi các bên liên quan nói khác nhau.
Tại chiến trường kéo dài 4 năm nay chưa ngơi nghỉ này, có đến 4 lực lượng không quân của các nước Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mở các chiến dịch không kích nhằm đánh bật IS ra khỏi Aleppo. Trên bộ còn có các lực lượng vũ trang của phe nổi dậy chống chính quyền Damascus và của Đảng Liên hiệp Dân chủ (DYP) của người Kurd ở Syria được Mỹ và châu Âu hỗ trợ. Tất cả đều có phương tiện, động cơ và cơ hội để thực hiện cuộc mưu sát Al-Adnani.
Nga - Mỹ tranh công
Như thường lệ, Mỹ là nước đầu tiên tuyên bố chiến công tiêu diệt được Al-Adnani, người được cho là nhân vật số 2 của IS. Nói “như thường lệ” bởi xưa nay, Mỹ độc quyền trong việc ám sát các thủ lĩnh IS (còn gọi là ISIS hoặc ISIL) và Al-Qaeda bằng máy bay không người lái (UAV). Thế nhưng, kể từ khi Nga tham chiến ở Syria (tháng 9-2015), thế độc quyền của Mỹ đã lung lay.
Ngày 31-8, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo nhấn mạnh: “Trong số 40 tên khủng bố bị tiêu diệt có thủ lĩnh Abu Mohammad al-Adnani, được biết đến nhiều như là người phát ngôn của IS”. Thông báo cho biết lập nên chiến công hiển hách này là một chiếc máy bay cường kích kiểu SU-34.
Mục tiêu oanh kích là một cuộc họp của các thủ lĩnh IS tại làng Maaratat-Umm Khaush, gần TP Aleppo. Chi tiết này cho thấy tình báo Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và chỉ điểm các mục tiêu IS trong khoảng 40 cuộc không kích của không quân Nga suốt mấy tháng qua.
Theo các nhà phân tích phương Tây, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhắm 2 mục đích. Thứ nhất, bác bỏ chỉ trích của phương Tây, theo đó Nga tiếp sức chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy được Mỹ và đồng minh phương Tây hậu thuẫn là chính, còn chống IS chỉ là cái cớ. Thứ hai, nâng cao vị thế của Nga trên mặt trận chống khủng bố quốc tế.
Phản ứng của Mỹ không phải chờ đợi lâu với thái độ rất kẻ cả. Đầu tiên, Mỹ khẳng định Al-Adnani bị một chiếc UAV của lực lượng chống khủng bố quốc tế do nước này cầm đầu tấn công bằng tên lửa chính xác Hellfire gần thị trấn Al-Bab, cách Maaratat - Umm Khaush 28 km do IS chiếm đóng ở Đông Bắc Aleppo, khi hắn đang di chuyển bằng xe hơi.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook đã bác bỏ tuyên bố của Moscow vì “Nga chưa bao giờ dùng vũ khí chính xác trong các chiến dịch không kích ở Syria nhắm vào các thủ lĩnh IS”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khác nhận định với hãng thông tấn Reuters rằng tuyên bố của Nga “thật nực cười”.
Thanh toán nội bộ
Ngày 30-8, qua hãng tin Amaq, IS xác nhận “phát ngôn viên cao cấp” Al-Adnani đã chết như một anh hùng tử vì đạo trong lúc giám sát các chiến dịch quân sự của IS tái chiếm TP Aleppo. Tuy nhiên, IS không tiết lộ Al-Adnani “hy sinh” hồi nào, ở đâu, bị ai sát hại, như thế nào..., khiến cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Nga chưa có lời kết.
Thông báo của IS đồng thời kêu gọi báo thù: “Hôm nay, chúng ăn mừng nhưng ngày mai chúng sẽ phải than khóc nhiều khi đấng Allah cho phép các chiến hữu của Abu Mohammed giáng cho chúng những đòn thù khủng khiếp”.
Theo đài BBC, thông báo của IS được phát đi “nhanh chóng khác thường” bởi xưa nay, loại thông báo này được đưa ra “rất trễ và gián tiếp”. Sự khác thường này được Charles Lister, chuyên gia cao cấp ở Viện Trung Đông (Mỹ), và tác giả cuốn “Thánh chiến ở Syria”, giải thích như sau:
Theo một nguồn tin riêng chưa được kiểm chứng, Al-Adnani bị lính của Abu Luqman ám sát bằng bom cài ven đường đêm 29-8. Luqman - nguyên là ông “vua con” IS ở Raqqa, thành phố lớn của Syria được IS công nhận là một tiểu vương quốc của đế chế Hồi giáo IS - thanh toán Al-Adnani để giành quyền thừa kế thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS.
Trang tin công nghệ Vocativ (Mỹ) chuyên theo dõi Deep web (tức web ngầm mà các trình duyệt thông thường không thể truy cập) cho hay vài giờ sau khi ISIS thông báo cái chết của Al-Adnani, một tài khoản thánh chiến Syria trên mạng Twitter mang tên Al-Haqiqa Awalan (tiếng Ả Rập có nghĩa là “Sự thật trước hết”) xác định Abu Luqman đã cử “một tổ hành quyết” ám sát Al-Adnani.
Một tài khoản Twitter khác mang tên Muhammad Fizo cũng nhận định: “Giả thuyết nói rằng Abu Luqman giết Al-Adnani là rất gần sự thật. Hai thủ lĩnh này đã hục hặc với nhau từ lâu và Luqman sẽ là người kế thừa nhà lãnh đạo tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi sau khi ông ta qua đời”.
Abu Luqman bạo tàn
Abu Luqman còn có tên là Ali Musa al-Shawakh hoặc Abu Ayoub, sinh năm 1973 tại một thị trấn ở phía Tây TP Raqqa. Y học luật tại Trường Đại học Aleppo. Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, lúc đầu, Luqman được những người của chính quyền Syria tuyển mộ để đưa sang Iraq tham gia thánh chiến chống Mỹ và đồng minh năm 2003. Sau đó, có tin cho biết y bị cơ quan an ninh Syria bắt.
Trong nhà tù Sednaya, Luqman thọ giáo các chiến binh thánh chiến Syria. Được thả ra năm 2011, y tham gia lực lượng Al-Qaeda đánh lại chính phủ Syria rồi sau đó gia nhập IS. Các nhà hoạt động ở Raqqa nhận xét rằng Abu Luqman là “một kẻ bạo tàn, thường tự mình bắt cóc và tra tấn những người chống lại y”.
Kỳ tới: Goebbels của IS
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!