Thông tin mới nhất từ hoạt động tìm kiếm được công bố vào khoảng 18 giờ 20 phút cho thấy thêm 2 thi thể nữa đã được tìm thấy và đang trên đường về căn cứ không quân ở Borneo, nâng tổng số thi thể tìm thấy đến nay lên 9. Hiện một trong 2 thi thể này đang được xác định danh tính.
Trước khi QZ8501 biến mất khỏi màn hình radar, dữ liệu cuối cùng của chuyến bay được truyền về bộ phận điều khiển không lưu ở Jakarta – Indonesia. Một nguồn tin tiếp xúc với cuộc điều tra vụ QZ8501 tiết lộ chiếc Airbus A320-200 đã tăng độ cao lên một mức không ngờ tới, dường như vượt quá giới hạn cho phép của loại máy bay này.
Ban đầu, sau 36 phút cất cánh từ sân bay Juanda ở TP Surabaya, phi công yêu cầu tăng độ cao máy bay từ 32.000 feet (9,75 km) lên 38.000 feet (11,58 km) và bay chệch sang trái để tránh thời tiết xấu. Hai phút sau, Jakarta trả lời, cho phép máy bay lệch qua trái 2 m và tăng độ cao lên 34.000 feet (10,36 km) nhưng không thấy phi công hồi âm.
Một bức ảnh rò rỉ từ Cơ quan hàng không Indonesia (AirNav) cho thấy chiếc QZ8501 dường như bay tới độ cao 36.300 feet (11,06 km) với vận tốc 654 km/h. Các quan chức AirNav Indonesia sau đó từ chối xác nhận tính chính xác của bức ảnh.
Reuters dẫn lời 2 phi công nhiều kinh nghiệm cho biết nếu thông tin trên là đúng, chiếc Airbus A320-200 có thể đã tăng độ cao đột ngột và “mất tốc độ”, dẫn đến việc máy bay khựng lại giữa không trung trước khi lao xuống biển.
Một phi công giải thích QZ8501 sẽ bay với vận tốc khoảng 955 km/h ở độ cao 32.000 feet (9,75 km). Nếu lên cao, tốc độ máy bay sẽ bị giảm và khiến máy bay "chết máy" trong trường hợp lên cao quá đột ngột.
Trang web theo dõi lịch trình bay flightradar24.com cho biết một số máy bay có mặt trong khu vực QZ8501 gặp nạn duy trì độ cao 34.000 feet - 39.000 feet nhưng không gặp vấn đề gì, chỉ có chiếc QZ8501 bị rớt xuống biển.
Trong kết quả điều tra sơ bộ, nhóm điều tra tập trung vào các yếu tố có khả năng làm máy bay rơi như thời tiết xấu, phản ứng của phi hành đoàn đối với những cơn bão, mây vũ tích… Dựa vào thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) – 2 thành phần chính của hộp đen – những diễn biến trong buồng lái và những gì xảy ra với chiếc máy bay sẽ được làm sáng tỏ.
Một quan chức hàng không Indonesia dự đoán phải mất 1 tuần, các thợ lặn mới có thể tìm thấy hộp đen do thời tiết xấu và biển động mạnh. Điều tra viên an toàn hàng không Toos Sanitiyoso cho hay: “Điều quan trọng là phải tìm được khu vực chính chứa các mảnh vỡ máy bay, sau đó mới tới hộp đen”.
Ngày 1-1-2015, đội thợ lặn chờ thời tiết ổn định để lặn xuống độ sâu cách mặt biển 30 - 50 m, nơi sóng siêu âm phát hiện vật thể nghi là xác chiếc Airbus A320-200.
Bình luận (0)