Phát biểu tại một cuộc hội thảo dành cho các nhà báo nữ hôm 24-11, bà Gandhi cho biết: “Ấn Độ là 1 trong 4 nước có số vụ cưỡng hiếp thấp nhất trên thế giới”.
Trả lời câu hỏi về việc chính phủ không có hành động hiệu quả nào để giải quyết nạn cưỡng hiếp, bà Gandhi nói: “Tôi đã đến Thụy Điển 2 năm trước vào thời điểm truyền thông đưa tin vụ cưỡng hiếp nữ sinh Nirbhaya trên xe buýt ở thủ đô New Delhi. Có người nói với tôi rằng không ai muốn đi du lịch tới Ấn Độ. Tôi lấy dữ liệu mang theo và đưa cho người ấy. Theo dữ liệu trên toàn thế giới, chúng tôi nằm trong 4 nước có số vụ cưỡng hiếp thấp nhất. Thụy Điển đứng số một”.
Bà Gandhi tuyên bố các phương tiện truyền thống Ấn Độ đã phóng đại vấn đề, khiến du khách nước ngoài rỉ tai nhau Ấn Độ không an toàn đối với phụ nữ và không đi du lịch tới đây. “Ở nước ngoài, cưỡng hiếp không được xem là tin tức nóng hổi. Báo chí của họ không đưa tin về cưỡng hiếp như Ấn Độ” – bà Gandhi phàn nàn.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia toàn cầu vào năm 2012, Ấn Độ được bình chọn là nơi sống tồi tệ nhất thế giới dành cho phụ nữ, thậm chí còn tệ hơn các nước như Ả Rập Saudi.
Phụ nữ tại Ấn Độ khi bị cưỡng hiếp thường ít khi trình báo. Còn những người ra mặt tố cáo lại bị đổ lỗi vì ăn mặc mát mẻ, uống rượu hay ở ngoài khi trời tối. Họ cũng đối mặt sự kỳ thị của xã hội. Một số trường hợp trình báo cảnh sát thì không được thụ lý. Một số nạn nhân thậm chí bị ép không được nói về những gì xảy ra với mình.
Thụy Điển, mặt khác, là nước xử lý nghiêm tội phạm cưỡng hiếp, xem mỗi lần cưỡng hiếp là một hành vi phạm tội riêng biệt. Nếu một người đàn ông cưỡng hiếp một người phụ nữ 10 lần, ông ta sẽ phải đối mặt 10 tội danh riêng biệt.
Còn Ấn Độ chỉ truy cứu một tội danh cho dù nghi phạm thực hiện hành vi cưỡng hiếp nhiều lần.
Bình luận (0)