Vụ binh sĩ Trung Quốc xâm nhập sâu và đóng quân tại vùng lãnh thổ Ấn Độ đang kiểm soát đang đẩy nước này đến bờ vực của khủng hoảng. Đó là nhận định của hãng tin AP hôm 2-5 giữa lúc 2 nước chưa tìm được giải pháp cho cuộc đối đầu này.
Bắc Kinh thử New Delhi
Dĩ nhiên, phía Trung Quốc không xem mọi chuyện diễn ra theo cách này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cuối tuần rồi khẳng định binh sĩ nước này không vượt qua LAC. Theo quan chức này, lực lượng biên phòng Trung Quốc “luôn tuân thủ thỏa thuận về việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới giữa hai nước”.
Không loại trừ giải pháp quân sự
Phía Ấn Độ hôm 1-5 cho biết binh sĩ Trung Quốc đã củng cố vị trí tại Daulat Bag Oldi (DBO) thuộc khu vực Ladakh, sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19 km và các xe tải Trung Quốc thường xuyên chở đồ tiếp viện đến cho họ. Theo báo cáo mới gửi đến Bộ Nội vụ Ấn Độ, gần 40 binh sĩ Trung Quốc tiếp tục chốt trong 5 lều bạt tại Ladakh và tuần tra tại DBO. Họ thậm chí còn giăng biểu ngữ tuyên bố đây là lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo hãng tin PTI, sau khi cuộc họp cấp lữ đoàn trưởng biên phòng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Chashool ngày 30-4 thất bại, phía Ấn Độ đã tăng cường cảnh giác bằng cách cho máy bay không người lái theo dõi khu vực Ladakh. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony tuyên bố nước này sẽ “áp dụng mọi biện pháp có thể” để bảo vệ lợi ích của mình.
Tại cuộc họp Ủy ban Nội các về an ninh do Thủ tướng Manmohan Singh chủ trì ở New Delhi hôm 1-5, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng Bikram Singh, đã đưa ra các đối sách với Trung Quốc, trong đó có giải pháp quân sự. Theo đài NDTV, tướng Singh đã đề ra một số giải pháp như cắt đường tiếp tế với 5 lều bạt của binh sĩ Trung Quốc, tăng cường hiện diện quân sự tại một khu vực tranh chấp khác với Bắc Kinh, nối lại tuần tra tại biên giới…
Điều đáng nói là cuộc đối đầu trên diễn ra vài tuần trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến thăm Ấn Độ, gây không ít ngạc nhiên ở New Delhi. Việc ông Lý Khắc Cường quyết định chọn Ấn Độ làm chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức 2 tháng trước được xem là một động thái nhằm tăng cường quan hệ giữa 2 nước bất chấp những tranh chấp lãnh thổ lâu nay tại biên giới.
Bình luận (0)