Ông K. Sivan, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cho đài BBC hay trục trặc của nguồn cung cấp điện có thể là nguyên nhân và cơ quan này đang nỗ lực khôi phục lại liên kết với GSAT-6A, được cho là "vẫn còn sống".
GSAT-6A được tên lửa đẩy GSLV-F08 phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota, bang Andhra Pradesh hôm 29-3. Vệ tinh nặng 2.066 kg và trị giá 41,5 triệu USD này được thiết kế nhằm cải thiện khả năng thông tin liên lạc của lực lượng vũ trang Ấn Độ.
GSAT-6A mang theo một trong những anten lớn nhất do ISRO phát triển giúp bảo đảm việc trao đổi dữ liệu, cuộc gọi thoại hoặc video hai chiều thông qua thiết bị cầm tay nhỏ từ những vùng xa xôi nhất nước. Thêm vào đó, sứ mệnh còn mang theo một động cơ mới đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh thám hiểm mặt trăng thứ hai của Ấn Độ.
Tên lửa đẩy GSLV-F08 mang theo vệ tinh GSAT-6A được phóng hôm 29-3 Ảnh: PTI
Sự cố trên được xem là bước lùi của Ấn Độ, quốc gia đang nổi lên trên thị trường không gian trị giá nhiều tỉ USD và chưa từng mất vệ tinh nào trong hơn một thập kỷ qua. Hồi tháng 2, nước này đã phóng một lúc 104 vệ tinh có các kích cỡ khác nhau, vượt qua kỷ lục phóng 37 vệ tinh vào năm 2014 của Nga.
Trước Ấn Độ, Trung Quốc cũng gặp sự cố sau khi để mất kiểm soát trạm không gian Thiên Cung-1. Theo cơ quan không gian Trung Quốc, Thiên Cung-1 đã trở lại khí quyển trái đất vào sáng 2-4 và phần lớn bị đốt cháy trên khu vực Nam Thái Bình Dương.
Những mảnh vụn còn lại rơi xuống vùng biển hẻo lánh của đại dương này và gần một nơi gọi là Point Nemo - được xem là nghĩa địa của các xác tàu vũ trụ và nằm xa đất liền hơn bất kỳ vị trí nào trên trái đất (cách quần đảo Pitcairn hơn 2.688 km về phía Bắc). Khoảng 250-300 tàu vũ trụ, hầu hết bị cháy rụi khi xuyên qua khí quyển trái đất, được lập trình để đáp xuống Point Nemo "yên nghỉ".
Bình luận (0)