Theo cơ quan không gian Trung Quốc, Thiên Cung-1 đã trở lại khí quyển trái đất lúc 8 giờ 15 phút (giờ địa phương) và phần lớn bị đốt cháy trên khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trước đó không lâu, giới chức trách Trung Quốc cho biết vị trí rơi dự kiến của trạm không gian mất kiểm soát này nằm ngoài khơi bờ biển Brazil ở Nam Đại Tây Dương gần TP Rio de Janeiro và Sao Paulo. Tuy nhiên, vị trí rơi sau đó được xác định lại là gần đảo Tahiti thuộc Pháp ở phía Nam Thái Bình Dương.
Không quân Mỹ cũng cho rằng Thiên Cung-1 rơi xuống phía Nam Thái Bình Dương. Phía Mỹ cho biết họ cùng các đồng nghiệp ở Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh tính toán để cho ra vị trí trên.
Trang Aerospace.org theo dõi đường đi của Thiên Cung-1. Ảnh: Aerospace
Hôm 30-3, phía Trung Quốc cho rằng nhiều khả năng không có bất kỳ mảnh vỡ nào từ Thiên Cung-1 rơi xuống đất liền.
Thiên Cung-1 được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011 để thực hiện những thí nghiệm trong khuôn khổ chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm đặt một trạm không gian lâu dài trên quỹ đạo vào năm 2023.
Ban đầu sứ mệnh của Thiên Cung-1 dự kiến kết thúc vào năm 2013 nhưng sau đó được gian hạn nhiều lần. Tiếp đó, giới chức Trung Quốc cho biết tàu không gian Thiên Cung-1 nặng 8,5 tấn sẽ trở lại trái đất vào cuối năm 2017 nhưng quá trình này bị trì hoãn khiến một số chuyên gia cho rằng phòng thí nghiệm ngoài không gian này bị mất kiểm soát.
Hình ảnh trạm không gian Thiên Cung-1 rơi được hệ thống radar theo dõi của Viện Fraunhofer FHR ở Đức chụp được Ảnh: FRAUNHOFER FHR
Mô phỏng thời điểm Thiên Cung-1 tái xâm nhập khí quyển. Ảnh: Mail Online
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng truyền thông thế giới thổi phồng chuyện Thiên Cung-1 rơi, qua đó cho thấy nước ngoài đang "ganh tỵ" với ngành công nghiệp không gian vũ trụ của Trung Quốc.
Tờ báo này viết: "Chuyện trạm vũ trụ rơi trở lại khí quyền trái đất là điều bình thường nhưng Thiên Cung -1 nhận được nhiều sự quan tâm bởi các nước phương Tây đang cố phóng đại và làm mất uy tín ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc".
Thiên Cung-1 đã trở lại khí quyển trái đất lúc 8 giờ 15 phút (giờ địa phương)
Bình luận (0)