Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, Bắc Kinh “hy vọng khi New Delhi và Tokyo phát triển quan hệ, họ cần tôn trọng quan ngại hợp pháp của các nước láng giềng và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực”.
Phát ngôn của ông Lục nhẹ nhàng hơn nhiều so với đe dọa 1 ngày trước đó từ tờ Thời báo Hoàn Cầu, theo đó Ấn Độ có nguy cơ chịu “tổn thất lớn” trong lĩnh vực thương mại song phương với Trung Quốc nếu cùng Nhật Bản yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Bắc Kinh không thể không bất an bởi nhân chuyến thăm trên, Tokyo và New Delhi dự kiến đưa ra tuyên bố chung thừa nhận phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông của PCA, theo báo giới Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc còn phản ứng giận dữ với thông tin Nhật Bản dự định giảm giá bán 12 máy bay lưỡng dụng tuần tra biển ShinMaywa US-2 cho Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 9 cực lực phản đối và cho rằng động thái này sẽ là một sự hổ thẹn nếu nó nhằm gây áp lực lên Trung Quốc vì các vấn đề liên quan tới biển Đông.
Bỏ ngoài tai phản đối trên, Thủ tướng Modi và ông Abe vẫn thúc đẩy hoàn tất thương vụ máy bay nói trên tại cuộc gặp hôm 11-11, bên cạnh việc ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân song phương. Đây sẽ là một trong những thương vụ bán thiết bị quân sự đầu tiên của Nhật kể từ khi ông Abe dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài 50 năm.
Ngoài ra, thỏa thuận xây dựng tàu cao tốc với Ấn Độ là một mục tiêu khác của Tokyo nhằm đánh bại Trung Quốc. Theo đài NDTV, Thủ tướng Modi đã chọn Tokyo là đối tác cho hệ thống tàu cao tốc đầu tiên của nước này - trị giá 980 tỉ repee (tương đương 15 tỉ USD) và nối hai thành phố Mumbai và Ahmedabad. Ông Abe hy vọng Nhật sẽ tiếp tục là lựa chọn số một trong lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc này khi Ấn Độ triển khai kế hoạch xây dựng 5 tuyến tàu cao tốc tiếp theo.
Một loạt bước đi trên chứng tỏ Ấn Độ quyết tâm trả đũa những động thái mới đây của Trung Quốc khiến quan hệ hai nước thêm xấu đi. Theo tờ The Economic Times (Ấn Độ), Bắc Kinh hồi tháng 6 cản bước New Delhi làm thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), một bước đi bị xem là nhằm cản trở Ấn Độ trở thành cường quốc toàn cầu. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục chọc giận Ấn Độ khi ngăn Liên Hiệp Quốc đưa nhân vật Masood Azhar, thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammed có căn cứ tại Pakistan, vào danh sách “khủng bố quốc tế”.
Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng rồi, Ấn Độ đã đề nghị hai nước nhắc đến phán quyết của PCA trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp. Đề xuất này dù không thành nhưng báo hiệu New Delhi giờ đây không còn phớt lờ những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh nữa.
Thông điệp của ông Trump
Cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại TP New York ngày 17-11 tới có thể đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc thảo luận về vấn đề hợp tác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Đó là nhận định được một cố vấn an ninh giấu tên của ông Trump đưa ra với Reuters hôm 10-11. Tại cuộc gặp, theo cố vấn trên, ông Trump muốn giải tỏa bất kỳ nỗi lo “vô căn cứ” nào của ông Abe, khẳng định cam kết duy trì liên minh an ninh giữa 2 nước và bày tỏ mong muốn Tokyo “đóng vai trò tích cực hơn ở châu Á”. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với ông Abe nói thông qua cuộc gặp sắp tới, nhà lãnh đạo Nhật có ý bắt đầu xây dựng một mối quan hệ có thể dẫn đến quan điểm chung về tình hình thế giới.
Reuters nhận định nguy cơ rạn nứt tiềm tàng giữa 2 nước dưới thời ông Trump xoay quanh chuyện Nhật Bản trả bao nhiêu tiền cho việc triển khai lực lượng Mỹ ở nước mình. Trong quá trình tranh cử, ông Trump nhận định số tiền này là chưa hợp lý. Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hôm 11-11 khẳng định Tokyo đã trả đủ tiền cho khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ mình - khoảng 1,9 tỉ USD/năm, tương đương 3/4 kinh phí cần thiết. Dù vậy, bà Inada nhấn mạnh lực lượng Mỹ nên tiếp tục ở lại Nhật Bản vì sự hiện diện này đóng vai trò răn đe quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đó cũng là điều ông Trump muốn sau khi nhậm chức, theo lời cố vấn nói trên. Trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump sẽ đệ trình ngân sách mới, trong đó có khoản chi dành cho việc đóng hàng chục tàu chiến mới. Điều này sẽ phát đi thông điệp mạnh đến Trung Quốc, các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác rằng Mỹ “có ý định ở lại châu Á trong thời gian dài”.
Phương Võ
Bình luận (0)