Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 2-8 cho biết các tàu chiến sẽ rời Ấn Độ vào đầu tháng 8 nhưng chưa có ngày khởi hành cụ thể. Nhóm 4 tàu chiến Ấn Độ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường Kora.
Các tàu của Ấn Độ sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận trong suốt hai tháng triển khai, bao gồm cuộc tập trận hải quân Malabar 2021 với Mỹ, Nhật Bản, Úc. 3 nước này với Ấn Độ là thành viên của nhóm Quad (Bộ tứ). Căn cứ vào kế hoạch, cuộc tập trận Malabar 2021 sẽ được tổ chức ở phía Tây Thái Bình Dương và nhằm gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhóm tàu chiến này cũng sẽ tham gia các cuộc diễn tập song phương với hải quân các nước ven biển Đông.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 2-8 cho biết nước này sắp triển khai đội 4 tàu chiến đến tham gia tập trận trên biển Đông trong vòng 2 tháng. Ảnh: IANS
Việc triển khai nhằm nhấn mạnh tầm hoạt động, sự hiện diện hòa bình và đoàn kết với các nước thân thiện nhằm đảm bảo trật tự trong lĩnh vực hàng hải và củng cố mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ: "Các sáng kiến hàng hải giúp nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ với các quốc gia bạn bè, dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng tới tự do hàng hải".
Hãng Kyodo đưa tin chính phủ Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy hợp tác quân sự với các quốc gia thân thiện vì sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ tham gia diễn tập thường niên với Hải quân Nga tại biển Baltic cuối tháng 7. Ảnh: ANI
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói rằng Ấn Độ đang thực hiện việc triển khai thường lệ, tăng cường sự hiện diện của hải quân ở phía Đông eo biển Malacca.
Ông Collin Koh cho rằng sự hiện diện đơn thuần của các tàu ở biển Đông đủ cho thấy mục tiêu chiến lược của New Delhi là tiếp tục tham gia ở Tây Thái Bình Dương.
Biển Đông đã trở thành một điểm nóng của hoạt động hải quân trong những tuần gần đây. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh đi qua biển Đông, trong khi một nhóm tác chiến trên mặt nước của Mỹ và các lực lượng thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức các cuộc tập trận tại vùng biển này.
Trong ngày 2-8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đến cảng Wilhelmshaven chứng kiến tàu khu trục Bayern khởi hành trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng, dự kiến dừng chân tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Con tàu dự kiến đi qua biển Đông vào giữa tháng 12, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002.
Bình luận (0)