Vụ việc xảy ra tại thung lũng Galwan ở khu vực Aksai Chin-Ladakh đang tranh chấp. Trong nhiều tuần nay, tại nơi đây quân đội hai nước đã huy động một đội quân lớn ở cả hai bên biên giới, trước khi các chỉ huy quân sự cấp cao bắt đầu đàm phán vào đầu tháng 6-2020.
Theo tuyên bố của quân đội Ấn Độ, "cả hai phía" đều có tổn thất nhân mạng. Về phía Ấn Độ, 1 sĩ quan và 2 binh sĩ hy sinh. Tuyên bố không nêu rõ số lượng thương vong của Trung Quốc, trong đó nói thêm rằng các quan chức quân sự cấp cao cả hai bên đang họp để xoa dịu tình hình.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 16-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhao Lijian, nói: "Vào hôm 15-6, quân đội Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng sự đồng thuận với chúng tôi và hai lần vượt qua biên giới với các hoạt động bất hợp pháp và kích động, tấn công nhân viên Trung Quốc dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa hai bên".
"Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ với đại diện phía Ấn Độ và một lần nữa chúng tôi yêu cầu phía Ấn Độ tuân theo sự đồng thuận giữa hai bên và điều chỉnh nghiêm ngặt hoạt động của các binh sĩ tiền tuyến của họ. Đồng thời, không vượt qua ranh giới và không khuấy động các vấn đề một cách đơn phương, điều đó có thể làm phức tạp vấn đề. Cả hai nước đều đã đồng ý giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại, nỗ lực giảm bớt tình hình căng thẳng và duy trì hòa bình, yên tĩnh ở khu vực biên giới" - ông Zhao nói thêm.
Vùng biên giới đang tranh chấp ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Ảnh: CNN
Ông Zhao không bình luận về việc có bất kỳ thương vong nào của Trung Quốc hay không. Các quan chức quân đội Trung Quốc cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận này.
Phó giáo sư và nhà phân tích chính trị Happymon Jacob, ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, ngày 15-6 đã xảy ra thương vong dọc theo biên giới tranh chấp Ấn Độ- Trung Quốc.
"Chúng tôi đã không có thương vong trên đường ranh giới thực tế (LAC) này trong ít nhất 45 năm. Đây có lẽ là khởi đầu cho sự kết thúc mối quan hệ mà Ấn Độ - Trung Quốc đã vun đắp." - ông Jacob nói.
Căng thẳng Ấn - Trung đã gia tăng ở dãy Himalaya - một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới - kể từ tháng 5 -2020. Cả New Delhi và Bắc Kinh đều cáo buộc bên kia vượt qua đường ranh giới thực tế (LAC) ngăn cách hai nước láng giềng vũ trang hạt nhân. Lãnh thổ này từ lâu đã bị tranh chấp, nổ ra nhiều cuộc xung đột nhỏ và những cuộc tranh cãi ngoại giao, kể từ sau cuộc chiến đẫm máu giữa hai nước vào năm 1962.
Bình luận (0)