Chương trình thu thập dữ liệu nói trên gọi là PRISM, cho phép NSA và FBI theo dõi sự hiện diện trên web của một cá nhân nào đó thông qua nội dung âm thanh, video, hình ảnh, e-mail và nhật ký kết nối.
PRISM được thành lập từ đống tro tàn của chương trình giám sát nội địa gây tranh cãi mạnh mẽ do chính quyền Tổng thống George Bush tiến hành vào năm 2007. Kể từ đó đến giờ, PRISM đã phát triển mạnh mẽ và trở thành nguồn đóng góp hàng đầu cho nội dung báo cáo tình báo tuyệt mật gửi đến Tổng thống Barack Obama hàng ngày.
Nhà mạng Verizon Wireless đang cung cấp cho NSA những thông tin về mọi cuộc gọi
điện thoại của khách hàng. Ảnh: The Washington Post
9 công ty có liên quan là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple. Tuy nhiên, một số công ty này khẳng định họ không biết gì về PRISM mà chỉ đáp lại yêu cầu về thông tin của những cá nhân cụ thể.
Ông Joe Sullivan, đại diện mạng xã hội Facebook, cho biết: “Chúng tôi không cho bất kỳ tổ chức chính phủ nào tiếp cận trực tiếp máy chủ của mình. Khi Facebook nhận được yêu cầu về thông tin của những cá nhân cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng tính hợp pháp của yêu cầu này và cung cấp những thông tin trong khuôn khổ pháp luật".
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khẳng định việc thu thập dữ liệu nói trên chỉ nhằm vào những người không phải là công dân Mỹ và sống ở nước ngoài và được dùng để “bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa khác nhau”. Theo ông, chương trình này đã được quốc hội cho phép tiến hành sau nhiều cuộc điều trần và tranh luận.
Thông tin trên được tiết lộ sau khi có tin cộng đồng tình báo Mỹ dưới thời ông Obama đang giám sát điện thoại của hàng triệu người dân. Theo những tài liệu tòa án bị rò rỉ, nhà mạng Verizon Wireless đang cung cấp cho NSA những thông tin về mọi cuộc gọi điện thoại của khách hàng theo lệnh của tòa án.
Nhà Trắng không xác nhận thông tin trên nhưng một quan chức cấp cao thừa nhận việc thu thập dữ liệu điện thoại là một phần quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra. Các nghị sĩ Mỹ cũng khẳng định chương trình này là hợp pháp và diễn ra trong nhiều năm. Trong khi đó, ông James Clapper, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, cảnh báo những tiết lộ nói trên có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.
Bất chấp những lời biện hộ và trấn an nói trên, các tổ chức, nhà hoạt động vì quyền tự do dân sự và sự riêng tư đang trút giận vào quy mô to lớn của chương trình. Ông Jameel Jaffer, phó giám đóc tư pháp của Liên đoàn các quyền tự do công dân Mỹ (ACLU), nhận định: “Đây là loại chương trình mà một số lượng người vô tội khổng lồ đang chịu sự giám sát liên tục của nhân viên chính phủ. Nó cung cấp thêm bằng chứng về tình trạng các quyền dân chủ đang bí mật bị đánh đổi cho yêu cầu của các cơ quan tình báo vô trách nhiệm”.
Bình luận (0)