Trong thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng AP, ông Gary Pruitt, nhấn mạnh: “Chúng tôi xem hành động này của Bộ Tư pháp Mỹ là sự can thiệp nghiêm trọng vào các quyền hiến định thu thập thông tin và đưa tin của hãng AP”.
Theo ông Pruitt, Bộ Tư pháp đã ghi âm các cuộc điện thoại của hơn 20 đường dây điện thoại riêng rẽ dành cho AP và các nhà báo hãng này ở New York, Washington D.C., Hartford, bang Connecticut và một đường dây tại nơi làm việc của AP ở hạ viện Mỹ vào đầu năm 2012.
Các biên tập viên của hãng tin AP. Ảnh: AP
“Hành động này diễn ra mà không hề báo trước với AP hoặc với bất kỳ ai trong số các nhà báo bị nghe lén. Thậm chí sau khi hành động này xảy ra, người ta cũng chẳng buồn thông báo cho ai cả. Chẳng thể nào bào chữa cho hành vi này" - ông Pruitt tố cáo.
Thông tin trên chồng chất thêm những mối lo lắng mới về chính trị lên nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama vốn đã phải hứng chịu những gánh nặng về kiểm soát súng, kinh tế tiếp tục trì trệ cũng như sự giận dữ của phe Cộng hòa đối với phản ứng vụng về trước vụ tấn công khủng bố ở Benghazi, Libya ngày 11-9-2012.
Người phát ngôn của Chủ tịch hạ viện Mỹ John Boehner, ông Michael Steel, tuyên bố: “Nếu chính quyền của Tổng thống Obama đứng đằng sau các vụ ghi âm điện thoại của phóng viên, tốt hơn là họ phải giải thích đến nơi đến chốn”.
Bà Laura Murphy, giới chức hàng đầu của Nghiệp đoàn Các quyền dân sự ở Washington, D.C., lên án hành vi giám sát báo chí, đồng thời thúc giục Bộ trưởng Tư pháp Holder giải thích điều gì đã bị tiết lộ để đảm bảo với dư luận rằng kiểu hăm dọa báo chí như trên sẽ không xảy ra nữa.
Ông Holder sẽ phải đối mặt với những câu hỏi chất vấn về vấn đề này khi ông xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp của hạ viện Mỹ ngày 15-5. Trong khi đó, ông Jay Carney, người phát ngôn Nhà Trắng, tuyên bố: “Chúng tôi không can dự vào các quyết định liên quan đến các cuộc điều tra hình sự cũng như các vấn đề do Bộ Tư pháp xử trí một cách độc lập”.
Bình luận (0)