Ngoài Sri Lanka, Ấn Độ còn gửi nhiều triệu liều vắc-xin miễn phí cho Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Mauritius, Myanmar, Brazil...
Trong khi đó, Trung Quốc - đất nước đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng cảng và đường cao tốc ở Sri Lanka theo Sáng kiến Vành đai và Con đường - cũng hứa chuyển cho nước này 300.000 liều.
Theo đài CNBC, các nước giàu có đang bị cáo buộc gom vắc-xin, hầu hết của các công ty Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức) và Moderna (Mỹ), trong khi Tổ chức Y tế thế giới nói các hãng dược ưu tiên bán cho nước giàu để tối ưu hóa lợi nhuận. Tình hình này tạo điều kiện cho Ấn Độ, Trung Quốc và cả Nga, cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển, từ đó củng cố ảnh hưởng và thắt chặt quan hệ.
Vắc-xin được vận chuyển từ Ấn Độ sang tặng Bangladesh trong tháng 1-2021 Ảnh: REUTERS
Chiến lược của Trung Quốc bao gồm thỏa thuận với các nền kinh tế mới nổi để thử nghiệm vắc-xin của công ty Trung Quốc Sinovac, đồng thời ưu tiên tiếp cận vắc-xin Trung Quốc cho nhiều khu vực, bao gồm Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu Allison Sherlock của tổ chức tư vấn Eurasia Group (Mỹ) cho rằng "Bắc Kinh hy vọng vắc-xin Covid-19 có thể chỉnh sửa quan hệ căng thẳng liên quan tới biển Đông".
Một trong những thách thức chung của hai nước chính là mức độ hiệu quả của vắc-xin do họ phát triển. Ấn Độ hiện cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc-xin, một là Covishield (do Trường ĐH Oxford và hãng AstraZeneca chế tạo) và một là "hàng nội địa" Covaxin. Kênh Al Jazeera cho biết Covaxin vẫn đang thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, CoronaVac của Sinovac chỉ đạt hiệu quả 50,4% trong thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và cho những kết quả khác nhau ở những nơi khác, do đó gây lo ngại về tính minh bạch dữ liệu.
Bình luận (0)