Các nhà nghiên cứu này đã công bố phát hiện mới trên trang web y tế medRxiv, theo đó đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới xác nhận sự đồng nhiễm của hai biến thể. Nghiên cứu này vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học và chưa được giới nghiên cứu đánh giá.
Các bệnh nhân đều ở độ tuổi 30 bị nhiễm biến thể B.1.1.28 vào cuối tháng 11 năm ngoái và đồng thời cho kết quả dương tính với một biến thể thứ hai của virus SARS-CoV-2. Những người này có triệu chứng nhẹ và không được yêu cầu nhập viện.
Những trường hợp đồng nhiễm nói trên nhấn mạnh khả năng có nhiều biến thể đang lây lan tại Brazil và khiến giới khoa học lo ngại sự tồn tại đồng thời của hai chủng virus trong một cơ thể có thể làm tăng tốc độ đột biến của các biến thể mới.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân. Ảnh: Reuters
Trưởng nhóm nghiên cứu Fernando Spilki, nhà virus học tại Trường ĐH Feevale ở bang Rio Grande do Sul, cho biết: "Các trường hợp đồng nhiễm này có thể dẫn đến sự kết hợp và tạo ra các biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với những gì đang xảy ra".
Chuyên gia này nói thêm đó sẽ là cách tiến hóa khác của virus. Các biến thể mới gây nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn và có khả năng kháng các loại vắc-xin đang được phát triển. Các đột biến được tìm thấy trong biến thể ở Anh và một biến thể mới đây ở bang Amazonas của Brazil dường như khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.
Theo ông Spilki, các trường hợp nhiễm cùng lúc các biến thể khác nhau cho thấy có số lượng virus đáng kể đang lây lan tại Brazil bởi khả năng đồng nhiễm chỉ xảy ra khi các loại biến thể khác nhau lây lan với số lượng lớn.
Trong cuộc đua phát triển vắc-xin, công ty phát triển vắc-xin Novavax (Mỹ) hôm 28-1 cho biết vắc-xin của họ có hiệu quả lên đến 89,3% trong cuộc thử nghiệm tại Anh và gần như hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể được phát hiện tại nước này.
Cuộc thử nghiệm giai đoạn thứ hai tại Nam Phi, nơi cũng xuất hiện biến thể SARS-CoV-2, cho thấy loại vắc-xin trên hiệu quả 60% trên những người không nhiễm HIV.
Theo hãng tin Reuters, công ty này cho biết đây là dữ liệu tạm thời và dự kiến cần thêm từ hai đến 3 tháng trước khi sẵn sàng nộp đơn xin cấp phép sử dụng với các cơ quan quản lý.
Novavax cho biết trong cuộc thử nghiệm ở Anh có khoảng 15.000 người từ 18 đến 84 tuổi tham gia và 27% người trên 65 tuổi. Theo Novavax, họ có thể sản xuất lên đến 2 tỉ liều vắc-xin trên toàn cầu trong năm 2021.
Hiệu quả của vắc-xin Novavax được cho là gần bằng với hai loại vắc-xin được cấp phép trước đó của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ), hai loại vắc-xin có hiệu quả khoảng 95% trong các thử nghiệm lâm sàng.
Bình luận (0)