Chính phủ Thủ tướng David Cameron đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ phe đối lập và giới truyền thông sau khi thông tin về chương trình theo dõi internet, điện thoại nói trên của Mỹ bị rò rỉ. Theo những gì được tiết lộ, những dữ liệu được PRISM thu thập, trong đó có dữ liệu của một số công dân Anh, đã từng được trao cho các cơ quan an ninh nước này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng William Hague khẳng định trước quốc hội rằng cơ quan tình báo thông tin Anh (GCHQ) luôn tuân thủ pháp luật khi xử lý những loại dữ liệu như thế. Ông cho biết: “Những lời cáo buộc là vô căn cứ. Bất kỳ dữ liệu nào mà chúng tôi nhận được từ Mỹ, trong đó có dữ liệu về công dân Anh, luôn được xử lý trong khuôn khổ pháp luật”.
Dù vậy, ông Hague không phủ nhận hoặc khẳng định bất kỳ chi tiết nào về hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh và Mỹ bởi ông cho rằng làm thế là có lợi cho kẻ thù đất nước.
Ngoại trưởng Anh William Hague
Ảnh: Reuters
Cùng ngày, chính phủ Canada cho biết họ không tiếp cận những dữ liệu thu thập bởi chương trình PRISM nhưng xác nhận cơ quan tình báo nước này đang giám sát các cuộc gọi và việc sử dụng internet ở nước ngoài.
Sau khi thông tin về PRISM bị rò rỉ, các nghị sĩ đối lập Canada đã bày tỏ lo ngại rằng Cục An ninh Truyền thông (CSE) thuộc Bộ Quốc phòng có thể sử dụng dữ liệu của chương trình này để lách những quy định cấm do thám người dân trong nước.
Để trấn an dư luận, CSE đã ra tuyên bố khẳng định họ không tiếp cận dữ liệu của PRISM. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cho biết chương trình của CSE được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài nhằm vào nước này.
Bình luận (0)