Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban tư pháp Hạ viện, ông Mueller xác nhận một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành về vụ rò rỉ mà ông cho là đã làm tổn hại an ninh quốc gia. Ông cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành mọi bước đi cần thiết để bắt người tiết lộ thông tin mật phải chịu trách nhiệm. Những tiết lộ này đã gây hại đáng kể đến đất nước và sự an toàn của chúng ta”. Ông Mueller không nêu đích danh Snowden trong phát biểu của mình.
Ngoài ra, ông chủ FBI còn cho rằng việc công bố chi tiết của các chương trình theo dõi có thể khiến bọn khủng bố thay đổi cách thức hoạt động. Ông nhận định: “Chúng ta sẽ không còn khả năng theo dõi những giao tiếp của họ. Chúng ta sẽ trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương. Điều này sẽ có hại cho an ninh quốc gia”. Để ngăn chặn sự tái diễn của những vụ rò rỉ tương tự, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein cho biết quốc hội sẽ xem xét luật hạn chế các nhà thầu tiếp cận một số thông tin mật.
Giám đốc FBI Robert Mueller tại phiên điều trần hôm 13-6
Ảnh: Reuters
Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ và các nhóm hoạt động đã kêu gọi tăng cường giám sát những chương trình theo dõi nói trên để ngăn nguy cơ sự riêng tư của người dân bị xâm phạm. Nghị sĩ John Conyers, thành viên Ủy ban tư pháp Hạ viện, bày tỏ hy vọng ủy ban này có thể đưa ra những biện pháp giám sát hữu hiệu các chương trình theo dõi, bao gồm khả năng thông qua luật mới. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul còn khuyến khích người dân đưa chính phủ ra tòa vì đã theo dõi mình.
Dù vậy, ông Mueller tái khẳng định chương trình theo dõi điện thoại chỉ dừng lại ở việc thu thập những thông tin liên quan đến cuộc gọi, như số điện thoại, thời điểm và độ dài của các cuộc gọi, chứ không có quyền theo dõi nội dung.
Mặt khác, nghị sĩ Mike Rogers đã lên tiếng chất vấn những động cơ của Snowden trong việc tiết lộ thông tin mật. Ông nhận định: “Đang có một danh sách dài những câu hỏi mà chúng ta cần trả lời, như liệu anh ta có quan hệ gì với một chính phủ nước ngoài hoặc có thêm điều gì ẩn khuất đằng sau câu chuyện…”.
Trong lúc này, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì về trường hợp của Snowden ngay cả khi anh ta chạy qua Hồng Kông, vùng lãnh thổ bán tự trị của nước này, và tiết lộ Mỹ đã tấn công mạng máy tính của Bắc Kinh trong thời gian qua. Tại một cuộc họp báo hôm 13-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận gì về vụ việc, cũng như không trả lời câu hỏi liên quan đến khả năng dẫn độ Snowden từ Hồng Kông về Mỹ.
Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc nhận định vụ việc đã làm hoen ố hình ảnh của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington nói mình là nạn nhân của các vụ tấn công mạng xuất phát từ Bắc Kinh. Báo China Daily cho rằng các chương trình theo dõi chắc chắn sẽ là “một thử thách đối với quan hệ Trung – Mỹ đang phát triển”. Trong khi đó, tờ Global Times nhận định Bắc Kinh có quyền bác bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào của Washington nếu nước này không đưa ra những câu trả lời thỏa đáng về các chương trình theo dõi.
Bình luận (0)