Cuối tháng 5, đầu tháng 6, PCA dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông.
Ông Swire cho biết đây là cơ hội để Manila và Bắc Kinh tái khởi động các cuộc đối thoại về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt xoay quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh nói rằng dù quan hệ giữa London với Bắc Kinh đang ấm dần lên, cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Anh tăng mạnh nhưng không vì vậy mà họ “nhắm mắt” trước những hành vi vi phạm nhân quyền và sự quyết liệt của Bắc Kinh ở biển Đông.
“Chúng tôi muốn nói rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi chỉ có thể giao dịch cởi mở và minh bạch dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế” – ông Swire nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington.
“Dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế, chúng tôi mong chờ phán quyết từ The Hague phải được tôn trọng bởi tất cả các bên liên quan” - ông Swire cho biết thêm.
Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu - trong đó có Anh - cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết từ The Hague. Do PCA không có quyền hạn thực thi nên nhiều phán quyết của tòa án đã bị bỏ qua trước đây.
Washington lo ngại nếu bị ra phán quyết bất lợi, Bắc Kinh có thể dùng điều này làm cái cớ để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, giống cách đã từng làm trên biển Hoa Đông.
Tháng 10 năm ngoái, Anh chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm cấp nhà nước, bên cạnh việc ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Các nhà phê bình chỉ trích London đặt lợi ích tài chính ngắn hạn lên trên lợi ích an ninh và quyền con người.
Anh cũng khiến Mỹ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi trở thành quốc gia đầu tiên ngoài châu Á và thành viên đầu tiên của nhóm G7 gia nhập một ngân hàng do Trung Quốc hậu thuẫn. Ngân hàng này được Washington xem là đối thủ của các ngân hàng phương Tây, chẳng hạn Ngân hàng Thế giới (WB).
Bình luận (0)