Ngoại trưởng Hague tuyên bố Anh không thể tạo điều kiện cho Assange ra đi theo đề nghị của Ecuador vì “không có cơ sở pháp lý nào để chúng tôi làm thế”. Cũng theo ông Hague, Thụy Điển muốn thẩm vấn ông Assange vì các tố cáo quấy rối tình dục nên quyết định dẫn độ không liên quan gì đến việc WikiLeaks tiết lộ hàng ngàn thư tín ngoại giao mật của Mỹ.
Trong khi đó, trang web WikiLeaks thông báo qua Twitter rằng người sáng lập của họ sẽ đọc diễn văn trước đại sứ quán Ecuador tại London vào ngày 19-8. Ông Assange cũng đã khen ngợi “sự dũng cảm” của Ecuador sau khi biết quyết định cho tị nạn.
Assange rời khỏi tòa án Anh hồi tháng 2-2012
Điều khiến người ta quan tâm bây giờ là Assange sẽ làm cách nào rời khỏi Anh? Một số giải pháp được các chuyên gia luật đưa ra là: di chuyển bằng ô tô ngoại giao, trốn trong một bưu kiện ngoại giao khổng lồ hoặc lợi dụng cảnh sát lơ đễnh trong lúc canh gác.
Cảnh sát Anh túc trực bên ngoài đại sứ quán Ecuador từ khi Assange chạy vào đây ẩn nấp từ tháng 6. Người ta cho rằng ông chủ WikiLeaks có thể hóa trang rồi tìm đường thoát bằng cách lẩn vào đám đông khách hàng trong trung tâm thương mại Harrods gần đó, nhưng không có gì đảm bảo ông sẽ không bị nhận dạng rồi bắt giữ.
Đưa Assange ra sân bâu tư nhân hay một bến cảng được sắp đặt trước là một lựa chọn nhưng cũng không chắc chắn 100% qua mặt được cảnh sát Anh. “Ngay khi Assange bước ra khỏi đại sứ quán, dù là đi thông qua một ô tô ngoại giao, ông ta vẫn có thể bị bắt” - luật sư chuyên về dẫn độ Julian Knowles lưu ý.
Ngoài ra, việc Anh có xông vào đại sứ quán Ecuador để bắt người hay không cũng được bàn luận. Theo Công ước Vienna năm 1961, các cơ sở ngoại giao được xem là lãnh thổ nước ngoài, chính quyền sở tại không được xâm phạm.
Tuy nhiên, trong lá thư gửi giới chức Ecuador, Bộ Ngoại giao Anh viện dẫn một điều luật ít được biết đến là Luật về cơ ngơi ngoại giao và lãnh sự năm 1987 để khẳng định nước này được quyền bắt Assange trong đại sứ quán Ecuador.
Luật này được thông qua sau vụ bao vây đại sứ quán Libya ở London năm 1984. Khi ấy, một người nào đó bên trong đại sứ quán Libya đã bắn chết một cảnh sát Anh tên Yvonne Fletcher ở bên ngoài. Cuộc vây hãm kéo dài 11 ngày kết thúc trong tổn hại quan hệ Anh - Libya trầm trọng và London trục xuất toàn bộ ngoại giao đoàn của Tripoli.
Tuy vậy, theo AP, từ khi được thông qua đến nay, chưa có trường hợp nào thực thi theo điều luật này. Hơn nữa, theo một số luật sư, bố ráp đại sứ quán nước ngoài chỉ nên áp dụng khi truy bắt khủng bố. Vụ Assange chưa nghiêm trọng đến mức đó.
Bình luận (0)