Quyết định của Ecuador cho phép một người Úc, 41 tuổi - hiện đang đối mặt với những cáo buộc tấn công tình dục ở Thụy Điển - được tị nạn chính trị đã kích động sự tranh cãi dữ dội giữa Quito và London. Nguồn tin phàn nàn về thư cảnh báo của Chính phủ Anh rằng họ có thể dùng đến Luật Ngoại giao và Cơ ngơi Lãnh sự năm 1987 để bắt Assange trong tòa đại sứ.
Nguồn tin cho biết thêm rằng cảnh sát đã tăng từ 2 đến 50 người ở khu vực lối thoát hiểm và mọi cửa sổ của tòa nhà, cho thấy cách họ “huy động cảnh sát một cách đáng sợ và chưa từng có” nhằm tỏ rõ sự mạnh tay của chính phủ.
Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng Quito được khích lệ bởi một cú điện thoại của Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung của Anh (FCO) gọi cho đại sứ Ecuador hôm thứ năm để khẳng định Anh vẫn có thiện chí thảo luận và thương lượng. Nguồn tin nhấn mạnh rằng Ecuador sẵn lòng hợp tác với các nhà chức trách Anh và Thụy Điển về vấn đề dẫn độ Assange sang Thụy Điển.
Nguồn tin nói với báo Anh The Guardian: “Trong những cuộc thương lượng với FCO, Ecuador đề nghị chúng tôi chuẩn bị chấp nhận một lời cam đoan từ Anh và Thụy Điển rằng một khi Julian Assange đối mặt với cuộc điều tra của Thụy Điển, ông ấy sẽ không bị dẫn độ đến nước thứ 3, đặc biệt là Mỹ. Điều đó có thể là một lối thoát và Ecuador luôn xác nhận nước này không muốn cản trở tiến trình pháp lý của Thụy Điển”.
Được hỏi về cách mà Assange đương đầu với áp lực đời sống trong tòa nhà nhỏ, nơi ông đã trải qua 55 ngày, nguồn tin nói: “Ông ấy xoay xở giỏi và không lộ vẻ lo lắng. Dựa vào thực tế Assange bị áp lực trong thời gian dài cùng với cuộc chiến pháp lý ở nhiều cấp độ khác nhau, tôi nghĩ rằng vì sự an toàn của chính mình, ông ấy luôn có kế sách cuối cùng”.
Trong khi đó, một nguồn tin từ FCO nói bức thư được gửi đến giới hữu trách Ecuador hôm thứ tư vừa qua không phải để uy hiếp và chính phủ sẽ tiếp tục tôn trọng quyền của các quan chức Ecuador.
Thế nhưng, bức thư được Ngoại trưởng Ecuador, ông Ricardo Patino, công bố chi tiết tại một cuộc họp báo hôm thứ tư cho thấy lời lẽ của nó không hề dễ chịu: “Các ông cần biết rằng có một căn cứ pháp lý ở Anh - Luật Ngoại giao và Cơ ngơi Lãnh sự 1987 - cho phép chúng tôi hành động để bắt giữ ông Assange trong tòa đại sứ”...
Ông Patino nói Ecuador bác bỏ “lời đe dọa rõ ràng” trong thư và cho rằng nó không phù hợp với một quốc gia dân chủ, văn minh và tôn trọng pháp luật. “Nếu cách hành xử này không thay đổi, Ecuador sẽ đáp trả thích đáng phù hợp với luật quốc tế”- ông nói.
Ngoại trưởng Anh, ông William Hague, phủ nhận những ý kiến cho rằng FCO đe dọa mở cuộc đột kích vào tòa đại sứ, chỉ nhấn mạnh rằng một hành động của quốc hội sẽ phải cần đến trong trường hợp này.
Liệu tình trạng lơ lửng của ông chủ WikiLeaks kéo dài đến bao giờ và ông có thật sự tin vào lời cam đoan nếu có?
Bình luận (0)