Tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết: “Anh sẽ dẫn đầu một trong các tiểu đoàn. Động thái này phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ các nước Baltic và Ba Lan trước hành động gây hấn của Nga”. Quan chức này nói thêm Anh sẽ gửi 700 binh sĩ tới vùng Baltic và Ba Lan.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải). Ảnh: Reuters
Các tiểu đoàn NATO là một phần trong kế hoạch răn đe mạnh mẽ dự kiến được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw, Ba Lan vào ngày 8-7. Kế hoạch bao gồm luân chuyển binh sĩ, dự trữ trang thiết bị và thành lập lực lượng cơ động được hậu thuẫn bởi đơn vị phản ứng nhanh của NATO.
NATO hy vọng kế hoạch phức tạp này có thể ngăn cản Nga thực hiện chiến lược từng dùng để sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 2-2014.
Đức và Mỹ cũng cho biết sẽ điều binh sĩ tham gia lực lượng mới này, dự kiến có khoảng 4.000 người. Pháp cũng sẽ gữi 250 binh sĩ đến gia nhập tiểu đoàn của Anh.
Đức, Mỹ, Anh lần lượt điều quân đến Lithuania, Ba Lan và Estonia, luân chuyển từ 6 đến 9 tháng. Các quốc gia khác thuộc NATO sẽ nhận trách nhiệm chỉ huy. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh này cũng đang xem xét đề nghị của Rumani chỉ huy một lữ đoàn đa quốc gia có thể phối hợp đào tạo và đóng một vai trò răn đe.
Đáp lại, Nga xem kế hoạch răn đe của NATO là hành động thù địch. Đại sứ Nga tại NATO cảnh báo động thái này sẽ đe dọa hòa bình ở Trung Âu. Điện Kremlin cũng cáo buộc lá chắn tên lửa đạn đạo mà Mỹ triển khai nhằm bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa từ Iran đang làm gia tăng căng thẳng.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang cũng như kho vũ khí và thiết bị. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mục đích của việc diễn tập này từ ngày 14 đến 22-6 nhằm đảm bảo khả năng quân sự của Nga để "thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, bao gồm cả huy động lực lượng”.
Bình luận (0)