NSA được cho là đã theo dõi hoạt động giao tiếp, liên lạc của ông Dmitry Medvedev (trái) trong thời gian
Không chỉ NSA mà Cơ quan Tình báo Anh GCHQ cũng cho theo dõi máy tính, điện thoại các quan chức và chính khách nước ngoài tham dự Hội nghị Cấp cao G20 nói trên. Tình báo Anh thậm chí còn cho lập các quán cà phê internet giả để theo dõi việc sử dụng máy tính của các chính khách. Những thông tin thu thập nhanh chóng được phân tích và chuyển đến các đại diện Anh tham dự những cuộc gặp trong khuôn khổ hội nghị G20, mang lại cho họ lợi thế đàm phán. Các quan chức cấp cao Anh đã phê chuẩn chiến dịch do thám này và nó được tiến hành trong vòng 6 tháng trước và sau hội nghị G20.
GCHQ chưa có phản ứng gì trước những thông tin trên, được tiết lộ ngay trước khi hội nghị cấp cao G8 (nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) khai mạc ở Bắc Ireland hôm 17-6. Báo The Guardian nhận định rằng phái đoàn một số nước có thể sẽ chất vấn Thủ tướng Anh David Cameron về tính xác thực của thông tin trên, cũng như liệu họ có còn bị theo dõi tại hội nghị lần này hay không. Những tiết lộ trên cũng làm dấy lên những câu hỏi về phạm vi của hoạt động theo dõi mà NSA và GCHQ đang tiến hành. Đài Russia Today (Nga) nhận định rằng những chương trình theo dõi điện thoại, internet của NSA chỉ đơn thuần là hoạt động gián điệp chứ không phải được dùng cho mục đích chống khủng bố như Washington tuyên bố.
Cũng với thái độ chỉ trích tương tự, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 16-6 đã gọi những chương trình nói trên là "đáng sợ", đồng thời cáo buộc Mỹ là "kẻ phạm tội thường xuyên" trong lĩnh vực giám sát mạng. Tờ báo cũng công kích Mỹ khi Washington cho rằng hành vi giám sát công dân nước khác là có thể biện minh được.
Đáp lại những chỉ trích trên, chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough hôm 16-6 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama không cảm thấy những chương trình theo dõi của NSA vi phạm quyền riêng tư của công dân Mỹ. Phát biểu trên đài CBS (Mỹ), ông McDonough nói thêm rằng ông không biết Snowden đang ở đâu sau khi người này tiết lộ thông tin mật về những chương trình theo dõi của NSA. Tương tự, cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney cho rằng các chương trình theo dõi là cần thiết trong việc ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào nước này. Ông Cheney cũng gọi Snowden, người rò rỉ thông tin mật về các chương trình, là kẻ phản bội.
Bất chấp nỗi lo về những chương trình theo dõi của NSA, cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) dự kiến sẽ chi khoảng 100 triệu euro để mở rộng việc giám sát internet trong 5 năm tới thông qua việc thành lập "một đội trinh sát kỹ thuật" với số lượng thành viên lên đến 100 người. Theo tạp chí Der Spiegel hôm 16-6, BND đang muốn kiểm soát sự lưu thông dữ liệu quốc tế "càng chặt càng tốt". Cơ quan này hiện đang theo dõi khoảng 5% lượng thư điện tử, cuộc gọi qua mạng Internet và các cuộc trò chuyện trực tuyến mặc dù luật pháp Đức cho phép tỉ lệ theo dõi lên đến 20%.
G8 bàn về Syria, thương mại, thuế Lãnh đạo 8 cường quốc hàng đầu thế giới (G8), bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga và chủ nhà Anh, đã tề tựu về Fermanagh, Bắc Ireland để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 39 trong ngày 17 và 18-6 với một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Syria dự kiến sẽ đứng đầu chương trình nghị sự khi chỉ vài ngày trước, Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho phe nổi dậy. Động thái này được 7 nước G8 đồng tình, trừ Nga. Ngày 16-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin gay gắt yêu cầu Mỹ "không cung cấp vũ khí cho những kẻ ăn thịt người" - ám chỉ đoạn video quay một tay súng đối lập ăn tim một binh lính Syria đã tử trận. Bất đồng thể hiện rõ sau cuộc gặp giữa ông Putin với Thủ tướng Anh David Cameron ngày 16-6. Dự kiến, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tình hình Syria trong ngày 17-6 bên cạnh một số vấn đề khác như chống khủng bố và kiểm soát vũ khí, theo phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes. Ngoài Syria, hội nghị còn tập trung thảo luận về thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ cũng như vấn đề minh bạch thuế. Theo ông Cameron, thỏa thuận tự do thương mại có giá trị đến 15,7 tỉ USD đối với Anh, đồng thời đem lại nhiều cơ hội việc làm, giá rẻ... Bên cạnh đó, ông Cameron không giấu tham vọng sẽ khắc phục được nạn lách thuế và trốn thuế của những công ty lớn bằng cách chia sẻ thông tin thuế giữa các quốc gia. Các nội dung nghị sự quan trọng khác tại hội nghị G8 có thể là chống khủng bố, chương trình hạt nhân Iran sau khi ông Hassan Rohani đắc cử tổng thống nước này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama nhiều khả năng phải đối mặt với nhiều chất vấn về chương trình theo dõi internet đang gây sóng gió.
Mỹ Nhung |
Bình luận (0)