Anonymous thường đưa vào tầm ngắm các tổ chức hoặc quốc gia mà nhóm này cho là kẻ thù của tự do Internet. Danh sách nạn nhân của Anonymous rất đa dạng, từ MasterCard đến the Vatican. Nhưng nhóm tin tặc hùng mạnh này có vẻ thất bại thảm hại sau 2 lần cố lọt vào hệ thống mạng của Triều Tiên.
Lần tấn công gần đây nhất là vào ngày 25 và 26-6, trùng vào dịp kỉ niệm 63 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Anonymous tuyên bố sẽ lấy được tài liệu về vũ khí – kể cả xâm nhập các cơ sở vũ khí hạt nhân - và các quan chức chính phủ của Triều Tiên; tiếp đó là kết nối mạng nội bộ của Triều Tiên với Internet. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Anonymous chưa đạt được các mục tiêu trên.
Bên trong phòng máy tính của Đại học Kim Nhật Thành. Ảnh: AP
Trước đó, hồi tháng 4, Anonymous loan báo đã xâm nhập được vào mạng nội bộ của Triều Tiên. Nhưng khả năng này không cao vì mạng của Triều Tiên tách biệt hoàn toàn với mạng Internet. Bằng chứng tấn công thành công mà Anonymous trưng ra là một danh sách tên tuổi và email của nhân viên tuyên truyền Triều Tiên. Tuy nhiên, theo báo Washington Post, trên thực tế đó là những cái tên Trung Quốc.
Tiếp đó, một số tin tặc, có thể là thành viên của Anonymous, nhanh chóng “khoe” đã sở hữu tên của 2 triệu đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền và 40.000 lính Mỹ đồn trú trên bán đảo này. Thế nhưng học giả chuyên về Triều Tiên Marcus Noland đã chỉ ra rằng số lính Mỹ chỉ là 28.500. Anonymous còn khẳng định lấy được nhiều thông tin khác nhưng không đưa ra chứng cứ nên giới phân tích không bị thuyết phục.
Anonymous thất bại là lời nhắc nhở về khả năng tự giấu mình của Triều Tiên. Không chỉ Anonymous, ngay cả giới tình báo Mỹ trước đây và bây giờ đều phải thừa nhận biết rất ít về bộ máy nội bộ của Triều Tiên. Rõ ràng trình độ khoa học công nghệ của Triều Tiên tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều!
Bình luận (0)