xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

APEC cần chống chủ nghĩa bảo hộ

HUỆ BÌNH

Nếu TPP thất bại thì đó là một chiến thắng lớn đối với Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc ở thủ đô Lima - Peru ngày 19-11, tập trung thảo luận những vấn đề như khu vực thương mại tự do, năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ…

Tăng trưởng toàn diện

Với tổng cộng 21 nền kinh tế, APEC chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại thế giới, 57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và đem lại lợi ích thiết thực cho khoảng 40% dân số thế giới. Tổng thống nước chủ nhà Pedro Pablo Kuczynski thúc giục các nhà lãnh đạo khác kiên quyết chống lại làn sóng bảo hộ đang tăng sau khi chiến thắng của tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ làm dấy lên nỗi lo rào cản sẽ lại mọc lên trong thương mại toàn cầu. “Tại Mỹ và Anh, xu hướng bảo hộ đang chiếm ưu thế. Điều quan trọng là thương mại thế giới phải tăng trưởng trở lại và chủ nghĩa bảo hộ bị đánh bại” - ông Kuczynski nhấn mạnh.

Tương tự, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo trước báo giới rằng “chủ nghĩa bảo hộ là con đường dẫn đến cái nghèo”, điều thế giới từng chứng kiến trong những năm 1930 sau cuộc đại suy thoái. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thúc giục tăng cường tự do thương mại trong bối cảnh xuất hiện những chỉ trích cho rằng toàn cầu hóa chỉ có lợi cho người giàu nhất. Trong nỗ lực trấn an, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng thương mại là động cơ tăng trưởng chính nhưng phải toàn diện, mang lại lợi ích cho mọi người.

Tận dụng sự giận dữ của những cử tri cảm thấy bị toàn cầu hóa gạt ra lề, ông Trump cam kết bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ trước nhân công giá rẻ đến từ những nước như Trung Quốc và Mexico. Điều khiến dư luận lo ngại không kém là tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dọa “xé bỏ” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu không ép được các đối tác Mexico và Canada chấp nhận những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ.

Bà Mercedes Araoz, Phó Tổng thống thứ hai của Peru, đón Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-11Ảnh: REUTERS
Bà Mercedes Araoz, Phó Tổng thống thứ hai của Peru, đón Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-11Ảnh: REUTERS

TPP không có Mỹ?

Trước lo ngại của các nền kinh tế APEC, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman, nhấn mạnh chính sách của Mỹ sẽ không thể thay đổi cực đoan khi chuyển từ chính quyền này sang chính quyền khác. Ông cũng thúc giục các nước cho tỉ phú Trump thêm thời gian trong cương vị mới.

Dù vậy, viễn cảnh u ám của TPP dưới thời ông Trump buộc các nhà lãnh đạo APEC tìm kiếm những lựa chọn thay thế. Có 3 kịch bản được vẽ ra tại hội nghị ở Peru: Tiếp tục TPP mà không cần Mỹ, ông Trump chấp nhận hiệp định này hoặc các quốc gia bắt đầu đàm phán lại từ đầu. Kịch bản cuối rất khó xảy ra trong lúc không ai chắc về chuyện ông Trump có đổi ý hay không. Vì thế, một số nước như Mexico, Nhật, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore đặt mục tiêu tiếp tục TPP dù có hay không có sự tham gia của Mỹ, theo lời Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để gạch tên TPP, cũng như không dễ duy trì TPP nếu không có Mỹ. Lý do là một số nước đã có sự nhượng bộ với Mỹ trong quá trình thương thảo TPP nên họ có thể không sẵn sàng ký nó nếu không có nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Nhật Bản và Peru đã ra tuyên bố chung cam kết hợp tác nhiều hơn để bảo đảm TPP vẫn có 12 thành viên như lúc đầu.

Trước cảnh TPP bế tắc, Trung Quốc đang nổi lên như một ứng viên sáng giá thay thế Mỹ dẫn dắt thương mại tự do trong khu vực với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). “Nếu TPP thất bại thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một chiến thắng lớn đối với Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế” - nhà kinh tế Brian Jackson của Công ty Tư vấn IHS Global Insight nhận định. Tuy nhiên, ông Froman khuyến cáo RCEP sẽ không có những điều khoản bảo vệ người lao động và môi trường như TPP.

Đề nghị Indonesia đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam

Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, chiều 18-11 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky.

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phối hợp ngày càng hiệu quả giữa hai nước tại các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực như APEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latin (FEALAC) cũng như qua quan hệ giữa APEC với Liên minh Thái Bình Dương. Ngay sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pedro Paplo Kuczynsky chứng kiến lễ ký kết 3 văn kiện hợp tác là Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ngành đánh bắt cá, Thỏa thuận về hợp tác văn hóa và Thỏa thuận hợp tác kiểm soát các chất hướng thần, ma túy và tiền chất. Theo TTXVN, khi phát biểu tại chương trình Gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ trương và cũng là ưu tiên của Việt Nam là đẩy mạnh và tăng cường hợp tác hữu nghị với Peru.

Tiếp đó, trong buổi tiếp Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, Chủ tịch nước đề nghị Indonesia quan tâm và đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam. Cuối giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự cuộc tọa đàm với Liên minh Các doanh nghiệp Mỹ trong APEC. Tại tọa đàm, Chủ tịch nước nhấn mạnh một trong những trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là cải thiện hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Việt Nam đang chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào công cuộc phát triển theo hướng công nghệ cao, xanh, sạch.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao cũng đã đến thăm tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Viettel Peru (Bitel), Văn phòng chi nhánh Peru của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo