Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ít nhiều phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại thủ đô Lima - Peru trong 2 ngày 19 và 20-11 (giờ địa phương).
TPP “chết”, Trung Quốc hưởng lợi?
Theo AP, ông Trump, từng công khai không ủng hộ những loại thỏa thuận thương mại tự do, dự kiến là tâm điểm thảo luận tại Hội nghị APEC năm nay. Điều này nhiều khả năng làm thay đổi chương trình nghị sự của hội nghị lẽ ra là dịp chào tạm biệt Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama.
Đây là hội nghị thượng đỉnh quốc tế cuối cùng của ông trước khi rời Nhà Trắng ngày 20-1-2017. Vì thế, thay vì dành thời gian thảo luận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Obama có thể phải trả lời những câu hỏi không thoải mái về tương lai của thỏa thuận này, bên cạnh những cam kết gây lo ngại khác của ông Trump, trong đó nổi bật là “cải tổ toàn diện” chính sách thương mại…
“Các lãnh đạo thế giới đang hy vọng ông ấy (Trump) sẽ ôn hòa hơn khi vào Nhà Trắng” - ông Fred Bergsten, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định.
TPP gồm 12 thành viên nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc. Đây được xem là nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền ông Obama nhằm giữ chân các đối tác thương mại ở châu Á trong quỹ đạo của Mỹ. Vì thế, Trung Quốc chắc chắn là nước hưởng lợi trong trường hợp TPP bị chính quyền ông Trump khai tử.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru là dịp không thể tốt hơn để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ra sức quảng bá Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiện gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước ASEAN.
Đáng chú ý là 7 nước ký TPP cũng là thành viên RCEP nhưng không có Mỹ. Peru hiện là nước thành viên TPP mới nhất tính đến chuyện gia nhập RCEP dù vẫn hy vọng ông Trump sẽ đổi ý.
“Chúng tôi phải tìm hiểu xem hiệp định tham vọng thế nào. Ngay cả khi nó không sâu rộng như những thỏa thuận khác, chúng tôi vẫn sẽ tham gia” - Bộ trưởng Bộ Thương mại Peru Eduardo Ferreyros nói về RCEP.
Mỹ không lo ngại
Trong dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Obama chưa chịu từ bỏ TPP, Mỹ đã đề xuất tiến hành phiên tham vấn cấp cao về hiệp định này, dự kiến diễn ra ngày 18-11 (giờ địa phương) bên lề Hội nghị Cấp cao APEC.
Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với Reuters rằng Washington không lo ngại về việc Bắc Kinh thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế của mình tại hội nghị ở Lima. “Nếu Trung Quốc có ý tưởng hay, chúng ta nên xem xét nó và đánh giá xem liệu nó có hợp với mình hay không” - ông Kerry nhấn mạnh.
Bản thân ông Obama cũng tìm cách xoa dịu nỗi lo của các đồng minh, đối tác khi lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ sự toàn cầu hóa trước khi đến Peru. Trong bài viết đăng trên tạp chí kinh doanh Wirtschaftswoche (Đức) nhân dịp thăm Berlin, cả ông chủ Nhà Trắng lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhấn mạnh rằng sự hợp tác đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh và thế giới sẽ không quay trở lại thời kỳ trước toàn cầu hóa.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ TPP, đã ghé TP New York gặp ông Trump hôm 17-11 trước khi dự Hội nghị APEC. Ông Abe không hé lộ chi tiết cuộc gặp mà chỉ mô tả ông Trump là một “nhà lãnh đạo đáng tin cậy”.
Theo Reuters, Thủ tướng Nhật chắc chắn muốn ông Trump làm rõ những phát biểu đáng lo ngại được đưa ra lúc tranh cử, như yêu cầu đồng minh trả thêm tiền nếu muốn lực lượng Mỹ đồn trú và lập trường phản đối TPP.
Trước khi các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC nhóm họp, hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Ngoại giao APEC diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-11, tập trung thảo luận những vấn đề như phong trào chống toàn cầu hóa, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và bất bình đẳng thu nhập.
Đáng chú ý, các bộ trưởng còn thảo luận kết quả cuộc nghiên cứu về tính khả thi của đề xuất thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương, tập hợp toàn bộ thành viên APEC. Kết quả cuộc nghiên cứu do Mỹ - Trung Quốc thực hiện này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo APEC sau đó.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Peru tham dự APEC 2016
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Lima - Peru ngày 18-11 (theo giờ Hà Nội), để tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo lời mời của Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky.
Tham gia Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung và các quan chức cấp cao khác.
Trong ngày 17-11, Đoàn Đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 28 của APEC tại Trung tâm Hội nghị thủ đô Lima. Phát biểu dẫn đề tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng các thành viên APEC tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, liên kết và thịnh vượng ở khu vực.
Theo TTXVN, trong 18 năm qua (từ khi tham gia APEC năm 1998), Việt Nam tích cực đóng góp vào hợp tác APEC, nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với thành công của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14, đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hợp tác APEC. Năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội.
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, chủ trì đề xuất và triển khai trên 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối phó tình trạng khẩn cấp, y tế, an ninh lương thực, chống khủng bố...
Thu Hằng
Bình luận (0)