Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước vào ngày làm việc thứ hai tại thủ đô Lima - Peru hôm 20-11 (giờ địa phương) với sự tham gia của nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên.
Phiên họp toàn thể thứ nhất có chủ đề “Các thách thức đối với đầu tư và thương mại tự do trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng và bổ trợ giữa các tầng nấc liên kết.
Theo TTXVN, Chủ tịch nước nêu rõ cần hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), nhất là tăng khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ra 5 đề xuất cụ thể. Một là, các nền kinh tế APEC cần có quyết tâm chính trị và các giải pháp quyết liệt, sáng tạo để thực hiện các thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Hai là, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Ba là, tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và phát triển nông thôn bền vững. Bốn là, đẩy mạnh kết nối vùng sâu, vùng xa, tăng cường đối tác công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, internet, nhất là ở những vùng kém phát triển. Năm là, APEC cần coi trọng và tăng cường hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các biện pháp nêu trên nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm.
Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Chủ tịch nước chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự những hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Sau khi rời Lima tối 20-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ý từ ngày 21 đến 24-11, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23-11 theo lời mời của Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Giáo hoàng Francis.
Chống chủ nghĩa bảo hộ
Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã kết thúc hội nghị thường niên ở Peru với lời kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, nhất là sau khi sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ gây hoài nghi về thương mại tự do.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ” - tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ. Ngoài ra, theo AP, các nhà lãnh đạo APEC cam kết cùng nhau hướng đến một thỏa thuận thương mại tự do mới gồm toàn bộ 21 thành viên, gọi là khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và xem đây là con đường dẫn đến “sự tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện” bất chấp bầu không khí chính trị không được thuận lợi lúc này. Tuyên bố chung cũng khẳng định các thành viên sẽ tôn trọng các mục tiêu giảm khí thải được đưa ra tại thủ đô Paris - Pháp hồi năm ngoái để đối phó vấn đề biến đổi khí hậu.
Tiếp xúc với báo giới khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski nhấn mạnh rằng trở ngại chính đối với các thỏa thuận thương mại tự do ở châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung là tâm trạng thất vọng của những người bị toàn cầu hóa bỏ lại đằng sau. Sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và chiến thắng gây sốc của ông Trump, theo ông Kuczynski, đã phản ánh quan điểm chống thương mại và thị trường mở.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số nhà lãnh đạo APEC cho rằng TPP có thể được điều chỉnh để thuyết phục ông Trump đổi ý. Một số ý kiến khác nói TPP nên tiếp tục mà không có Mỹ dù có thể phải bắt đầu thương thảo lại. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng này cảnh báo việc Mỹ từ bỏ TPP sẽ là sai lầm lớn. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định đã có thêm một số nước xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại hội nghị APEC lần này. Dù vậy, trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định cả TPP và RECP đều là những con đường đúng dẫn đến FTAAP.
Lục San
Bình luận (0)