Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các lãnh đạo APEC không đạt được đồng thuận để ra tuyên bố chung do chia rẽ sâu sắc về chính sách thương mại.
Tại họp báo kết thúc sự kiện, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil giải thích: "Bạn biết đấy, có hai người khổng lồ trong phòng (ám chỉ Mỹ và Trung Quốc)". Khi được hỏi những bất đồng chính ngăn các thành viên đưa ra tuyên bố chung là gì, ông O’Neill cho rằng điều đó liên quan tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cải cách của tổ chức này. Đó là vấn đề ngoài phạm vi của APEC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dọa rút khỏi WTO khi cho rằng các quy tắc của tổ chức này ủng hộ Trung Quốc một cách không công bằng. Liên minh châu Âu dự kiến đưa ra các đề xuất về cải cách WTO tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina sắp tới - nơi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch gặp mặt để giải quyết những bất đồng.
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’ Neill ký thỏa thuận điện khí hóa với lãnh đạo Mỹ, Úc, Nhật và New Zealand ngày 18-11 Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Papua New Guinea cho biết nước này sẽ ra tuyên bố chính thức về Hội nghị APEC trong những ngày tới, trong đó phản ánh các vấn đề đã được các nước thành viên đồng ý. Trong khi đó, đại diện phái đoàn Trung Quốc Zheng Xiaolong cho biết: "Thay vì đưa ra tuyên bố chung như truyền thống, các nhà lãnh đạo nhất trí để Papua New Guinea, với tư cách là nước chủ nhà, đưa ra tuyên bố của chủ tọa thay mặt cho các thành viên APEC".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thừa nhận tầm nhìn khác biệt về các vấn đề cụ thể liên quan đến thương mại đã ngăn các thành viên APEC đạt được sự đồng thuận để ra tuyên bố chung.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Rimbink Pato chia sẻ với hãng tin Reuters rằng bất đồng về tầm nhìn khu vực khiến các nước thành viên APEC không thể soạn thảo tuyên bố chung giữa lúc Mỹ và Trung Quốc hé lộ tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực.
Hội nghị APEC năm nay bị phủ bóng đen bởi những bài phát biểu công kích đối phương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 17-11.
Ông Pence cảnh báo các nước nhỏ tránh bị cám dỗ trước các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Phó Tổng thống Mỹ chế nhạo BRI của Bắc Kinh là "vành đai cưỡng ép và đường một chiều" khi cho rằng các khoản vay thiếu minh bạch từ Trung Quốc đi kèm những điều kiện ràng buộc và những khoản nợ khổng lồ. Ông Pence cũng khẳng định các nước hợp tác với Mỹ không phải lo ngại bị nhấn chìm trong "biển nợ" hay bị cưỡng ép thỏa hiệp.
Trong bài phát biểu trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh BRI không phải là "cái bẫy" và không phải "chương trình nghị sự mờ ám", đồng thời chỉ trích chính sách bảo hộ thương mại "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền ông Donald Trump là cách tiếp cận thiển cận và chắc chắn sẽ thất bại.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các lãnh đạo APEC không đạt được đồng thuận để ra tuyên bố chung.
Bình luận (0)