Một số nhà phân tích nhận định với đài VOA rằng đó là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh.
Dựa vào dự thảo tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Cấp cao lần này, các chuyên gia và giới truyền thông cho rằng các nước thành viên ASEAN sẽ không chỉ trích đích danh Trung Quốc là “quốc gia gây rối” ở biển Đông.
Theo báo Jakarta Globe, dự thảo tuyên bố có giọng điệu mềm mỏng hơn bình thường về tranh chấp biển Đông, loại bỏ những từ ngữ đề cập hành động quân sự hóa hoặc xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển này. Dù vậy, bản dự thảo vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Trang Bloomberg cũng cho rằng điểm nóng biển Đông sẽ nhường chỗ những vấn đề thương mại, đầu tư và tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Theo hãng tin EFE, các nước ASEAN dự kiến thăm dò những hình thức hội nhập kinh tế mới sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1-2017.
Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp bên lề hội nghị hôm 28-4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhận định 10 nước ASEAN có thể hình thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới (sau Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) vào năm 2030 dù vẫn còn nhiều việc cần làm để giúp các công ty nhỏ và giảm rào cản thương mại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết hội nghị còn bàn về những biện pháp chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại và vấn đề gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu.
Vấn đề Triều Tiên cũng có thể được quan tâm trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington gia tăng. Trong tuyên bố hôm 28-4, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời thúc giục các bên liên quan kiềm chế để tránh làm tình hình xấu đi.
Bình luận (0)