Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 ở thủ đô Vientiane - Lào hôm 7-9, các nhà lãnh đạo đã đồng thuận về một số vấn đề liên quan đến biển Đông, trong đó có việc thông qua Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở biển Đông và tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa quan chức cấp cao của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó sự cố khẩn cấp trên biển.
Có tiến triển nhưng chưa đủ
Đây được xem là những biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm căng thẳng ở biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục có động thái khiêu khích thời gian qua. “Quan hệ của chúng ta vượt lên bất cứ bất đồng nào. Chúng ta có thể tiếp tục vạch ra quỹ đạo tích cực cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ lâu nay của Trung Quốc đối với sự đoàn kết và tính trung tâm của ASEAN” - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị. Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí các biện pháp trên là bằng chứng cho thấy hai bên có thể giải quyết các khác biệt.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá quan hệ với ASEAN là quan hệ sôi động nhất, thành công nhất mà Bắc Kinh đang có với lý do hết sức đơn giản: Các bên là những láng giềng “gần gũi nhất có thể”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc hôm 7-9 Ảnh: Reuters
Phó giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Các vấn đề quốc tế (SIIA) của Singapore, nhận định những thỏa thuận nói trên là “dấu hiệu của sự tiến bộ” bởi chúng hướng tới tính thực tế. “Bắc Kinh không từ bỏ yêu sách nhưng vẫn quan tâm đến những bước đi ngăn chặn căng thẳng leo thang, nhất là những vụ việc vô tình hoặc do hiểu lầm” - chuyên gia này nhận định. Tuy nhiên, tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), không xem CUES là bước đột phá bởi nó chỉ áp dụng cho tàu hải quân và “bỏ qua” tàu tuần duyên của các nước ven biển Đông.
Gây rối nhiều nhất
Nhận định của ông Termsak Chalermpalanupap không phải không có cơ sở bởi một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ) chỉ ra rằng hành động gây hấn ngày càng gia tăng của tàu thuyền thuộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở biển Đông đang đe dọa gây bất ổn khu vực. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu khoảng 45 vụ đụng độ, đối đầu trên biển Đông kể từ năm 2010 đến nay. Trong số này, tàu tuần duyên Trung Quốc liên quan đến 30 vụ, chiếm tỉ lệ 2/3. Ngoài ra, 4 vụ việc có liên quan đến tàu hải quân Trung Quốc. “Chúng tôi nhận thấy hành động bắt nạt, quấy rối và đâm tàu (của tàu Trung Quốc) mà nạn nhân là các nước có tàu tuần duyên và tàu cá nhỏ hơn, mục đích thường để khẳng định chủ quyền ở biển Đông” - chuyên gia an ninh biển Đông Bonnie Glaser của CSIS nói với Reuters.
Vài giờ trước khi hội nghị ASEAN - Trung Quốc diễn ra, Philippines đã công bố các bức ảnh cho thấy tàu Trung Quốc “tăng cường xuất hiện” gần bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm của Manila năm 2012. Reuters cho biết khoảng 10 hình ảnh và bản đồ đã được gửi đến email các nhà báo, trong đó nhiều người đang có mặt tại Vientiane để đưa tin hội nghị. “Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của các tàu này là dấu hiệu cho khả năng xây dựng các cấu trúc tại bãi cạn. Chúng tôi đang theo dõi hoạt động của những tàu này” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong khẳng định. Người này nói thêm những bức ảnh được công bố sau khi đại sứ Trung Quốc tại Philippines phủ nhận không có hoạt động nào mới tại bãi cạn. Tại cuộc họp báo hôm 7-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tuyên bố tình hình xung quanh Scarborough không có gì thay đổi, cũng như cáo buộc Manila phóng đại vụ việc.
Cần tuân thủ UNCLOS
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc và sẽ hết sức hợp tác cùng các nước ASEAN làm cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc khởi sắc, thực chất, hiệu quả hơn, tin cậy hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới. Về những diễn biến gần đây, Việt Nam mong ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới một giai đoạn mới vì hòa bình, hợp tác và phát triển, xử lý thỏa đáng các vấn đề đặt ra. Theo đó, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy đàm phán sớm đi đến kết quả thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Cố vấn Nhà nước - Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi.
Phương Võ
Bình luận (0)