Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại thủ đô Vientiane - Lào hôm 24-7 vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách đối phó những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Lo kịch bản 2012 lặp lại
Cũng như hội nghị các quan chức cấp cao diễn ra một ngày trước đó, các ngoại trưởng ASEAN đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông tại phiên họp toàn thể kéo dài vài giờ.
Thông cáo báo chí được công bố cuối phiên họp chỉ nói rằng các ngoại trưởng ASEAN đã có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và mang tính xây dựng về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như những diễn biến ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và biển Đông.
Theo TTXVN, các ngoại trưởng tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa trái phép, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tương tự các cuộc họp khác của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ kết thúc bằng tuyên bố chung nếu có sự đồng thuận của tất cả quốc gia tham dự. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, Campuchia không đồng ý đưa vấn đề biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị lần này, dự kiến đưa ra ngày 26-7.
Mọi chuyện chưa phải đã khép lại bởi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết bản dự thảo tuyên bố chung này vẫn đang được soạn thảo. Một số nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ phần nội dung về biển Đông đang được để trống cho đến khi các bên đạt được sự đồng thuận.
Chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gồm những vấn đề nóng như khủng bố, kinh tế, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu)… Tuy nhiên, tình hình biển Đông đã bao phủ hội nghị sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan hôm 12-7 ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, theo đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.
Tình trạng bế tắc nói trên khiến dư luận e ngại tình hình sẽ lặp lại kịch bản tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia năm 2012. Khi đó, Campuchia đã ngăn chặn việc đưa nội dung về biển Đông vào tuyên bố chung khiến các ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong lịch sử của khối này.
Nỗ lực của Mỹ
Trong lúc này, Mỹ đang tăng cường nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng theo sau phán quyết của PCA. Vấn đề biển Đông là nội dung thảo luận quan trọng khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan vào đầu tuần này.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry sẽ hối thúc các nước Đông Nam Á tìm giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông. Theo quan chức này, điều quan trọng là các thành viên ASEAN cần đạt được lập trường chung về những vấn đề, trong đó có biển Đông, khi tiến hành thương thảo về tuyên bố chung đưa ra vào cuối hội nghị.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thăm Trung Quốc từ ngày 24 đến 27-7. Giới chức Mỹ cho biết Washington sẽ thông qua những sự kiện trên để kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế ở biển Đông cũng như tôn trọng quyền của những nước khác. Ngoài ra, Mỹ còn hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt tiến triển trong việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Dù vậy, không có nhiều nhà phân tích lạc quan về vấn đề này. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở ở thủ đô Washington - Mỹ, nói với đài VOA rằng sẽ không có chuyện Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một COC được soạn thảo nhằm hạn chế những hành động của họ ở biển Đông vào thời điểm này.
Ông Poling cũng dự báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục có những luận điệu đối đầu nhau trong thời gian tới. Trong lúc Washington tiếp tục nhấn mạnh đến pháp trị và chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông thì Bắc Kinh cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hành động khiêu khích nào tại những vùng biển họ xem là chủ quyền.
Trong giọng điệu cho thấy sự thách thức như thế, Tân Hoa Xã hôm 24-7 thúc giục các quốc gia Đông Á “cảnh giác với sự can thiệp” của Mỹ vào khu vực cũng như tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thị trường quan trọng đối với mọi quốc gia.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng khuyến cáo ASEAN không nên chịu sự ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài - lời lẽ rõ ràng là ám chỉ Washington.
Diễn biến phức tạp
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ về tầm quan trọng của việc bảo đảm đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đề cao ý thức cộng đồng và kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN; đề nghị tăng cường trao đổi và phối hợp lập trường chung ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng nhiều mặt của biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực; chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hệ lụy đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Theo TTXVN, Phó Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để các nước giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN kiên trì lập trường chung đã có; kêu gọi các nước kiềm chế, không quân sự hóa; tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm đạt được COC và đề cập các biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp, đóng góp vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Bình luận (0)