Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc không nói rằng ông nghi ngờ phiến quân hay chính phủ Syria đã tiến hành các cuộc tấn công vũ khí hóa học gần Damascus hồi tháng trước mà phát biểu rằng lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã “phạm nhiều tội ác chống lại loài người”.
“Vì thế, tôi chắc chắn rằng sẽ phải có một tiến trình giải trình trước khi mọi thứ kết thúc”, ông Ban Ki-Moon phát biểu ngày 13-9. Tờ Telegraph bình luận phát biểu sẽ tăng áp lực lên Syria và thậm chí, có thể cản trở các cuộc đàm phán cấp cao.
Báo cáo mà Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc háo hức chờ đợi được thực hiện bởi các nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc dẫn đầu bởi Ake Sellstrom đến từ Thụy Điển.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq cho biết tổng thư ký hiện vẫn chưa cầm trên tay bản báo cáo của Sellstrom. Tuy nhiên, trước đó, ông đã tiếp xúc với chuyên gia Sellstrom và kêu gọi ông nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng.
Trong khi Mỹ và phương Tây cho rằng cuộc tấn công hôm 21-8 là do các lực lượng trung thành với ông Assad gây ra thì Tổng thống Nga Putin lại khẳng định rằng có “mọi lý do để tin rằng” cuộc tấn công giết chết 1.400 người, đa số là trẻ em được thực hiện bởi quân nổi dậy.
Trong khi đó, hai nhà ngoại giao phương Tây (giấu tên) nói với Reuters rằng họ vô cùng mong đợi báo cáo của Trưởng đoàn điều tra vũ khí hóa học tại Syria Ake Sellstrom sẽ khẳng định quan điểm của Mỹ cho rằng khí độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong cuộc tấn công.
Các nhà ngoại giao còn cho biết thêm báo cáo không chỉ đích danh người nào nhưng sẽ gián tiếp tố cao chính phủ Syria. Theo Reuters, báo cáo của Sellstrom có thể trở thành con bài để các nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc "mặc cả" trong cuộc đàm phán với Nga nhằm kêu gọi Syria từ bỏ vũ khí hóa học.
Tối 13-9, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng nước này Sergei Lavro, phái viên Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi và ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhất trí rằng chỉ có giải pháp chính trị mới chấm dứt tình trạng bạo loạn ở Syria. Trong khi đó, báo chí Nga cho biết cuộc thảo luận giữa Nga và Mỹ sẽ kéo dài đến ngày 14-9. Theo một quan chức Mỹ, các cuộc hội đàm "đang tiến tới một thảo thuận" về quy mô của các kho vũ khí độc hại ở Syria.
Cũng trong ngày 13-9, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington không trông đợi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vũ khí hóa học của Syria sẽ bao hàm khả năng sử dụng sức mạnh quân sự do sự phản đối của Nga. Thay vào đó, Mỹ sẽ khẳng định rằng nghị quyết cần đưa vào một loạt hậu quả nếu Syria từ chối giải giáp vũ khí hóa học theo cách có thể kiểm chứng.
Bình luận (0)