Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 20-3 xác nhận hai chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam cách đó 1 ngày.
Chúng hướng về phía Bắc tới bờ biển phía Đông Nhật Bản, gần bán đảo Kamchatka, sau đó quay trở về.
Báo The Dong-A Ilbo dẫn một số bình luận cho rằng sự xuất hiện của hai chiếc B-52 của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên được xem là tín hiệu cảnh báo của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, cụ thể là hai hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam, B-52 của Mỹ gần như vắng bóng gần bán đảo Triều Tiên.
B-52 của Mỹ là một trong những thiết bị quân sự chiến lược mà Triều Tiên e ngại nhất. Ảnh: Defence-blog
Báo The Dong-A Ilbo dẫn một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết máy bay ném bom tầm xa B-52 của Mỹ là một trong những thiết bị quân sự chiến lược mà Triều Tiên e ngại nhất.
Vì vậy, mỗi khi Washington triển khai B-52 gần bán đảo Triều Tiên, đó được xem là lời cảnh báo nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu khích bằng vũ khí hạt nhân.
Mỹ cũng từng điều một máy bay giám sát điện tử RC-135U Combat Sent để giám sát chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thêm vào đó, Washington hôm 19-3 huy động cả máy bay cảnh báo sớm E-3 tới căn cứ không quân Osan ở TP Pyeongtaek – Hàn Quốc, dường như phục vụ mục đích thu thập thông tin.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) hôm 21-3 cho biết một trận động đất nhỏ đã làm rung chuyển khu vực gần bãi thử nghiệm hạt nhân Punggyeri ở phía Đông Bắc Triều Tiên.
Vụ động đất có cường độ 2.8, cách địa điểm mà Bình Nhưỡng từng thử hạt nhân lần thứ sáu khoảng 1 km. Tuy nhiên, theo KMA, đây là một trận động đất tự nhiên chứ không phải nhân tạo.
Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay, ở Punggyeri vào tháng 9-2017, gây ra một số trận động đất ở huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Bình Nhưỡng dỡ bỏ bãi thử nghiệm Punggyeri trước sự chứng kiến của các phóng viên nước ngoài. Động thái này là một phần cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bình luận (0)