Dù vậy, ông Donald Trump thừa nhận rất khó để dự luật của đảng Cộng hóa được thông qua.
Theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã liên lạc với lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell và các nhà lập pháp khác trong 2 ngày 22 và 23-6. Dự kiến, vai trò của tổng thống sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài ngày tới khi cuộc bỏ phiếu tới gần.
Trước đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công bố dự luật chăm sóc sức khỏe mới hôm 22-6. Dự luật này, dài 142 trang, được soạn thảo trong bí mật bởi một nhóm do ông McConnell dẫn đầu.
"Chúng tôi ngạc nhiên một cách vui mừng vì có nhiều sự ủng hộ và tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, đặc biệt là với 4 cá nhân đã bày tỏ một số ý kiến và lo ngại" - phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer phát biểu tại một cuộc họp báo.
Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà lập pháp. Ảnh: REUTERS
Vì tất cả thành viên đảng Dân chủ được dự kiến là sẽ phản đối dự luật nên chỉ cần có hơn 2 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối là dự luật sẽ không được thông qua. Tuy nhiên, đến giờ, có đến 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ dự luật nhằm bãi bỏ và thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare).
Một quan chức Nhà Trắng nói Tổng thống Donald Trump có thể gia tăng can dự vào tiến trình trên trong thời gian tới.
Trong khi đó, cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton đã ra mặt cảnh báo đảng Cộng hòa trên Twitter vào ngày 23-6.
Bài đăng của bà Clinton có ý nhắc đến một bài viết của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một cơ quan chính sách phi đảng phái. Bài viết dẫn lời các nhà nghiên cứu của Trường ĐH Harvard cho biết "dự luật của thượng viện có thể dẫn đến 18.000 đến 28.000 cái chết vào năm 2026".
Trong một bài viết dài trên Facebook ngày 22-6, cựu Tổng thống Barack Obama cũng chia sẻ suy nghĩ về dự luật mới như sau: "Trong trường hợp người dân ngã bệnh, già đi hoặc muốn lập gia đình, dự luật này sẽ gây hại cho họ".
Bình luận (0)