Cuộc đua vào Nhà Trắng chứng kiến bước ngoặt quan trọng khi 2 ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump chính thức đối mặt trong cuộc tranh luận đầu tiên tại Trường ĐH Hofstra ở thị trấn Hempstead, bang New York vào đêm 26-9 (giờ địa phương).
Cuộc chiến tâm lý
Đang bám đuổi sít sao trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, cả bà Clinton, người Đảng Dân chủ và tỉ phú Trump của Đảng Cộng hòa bước vào cuộc tranh luận với hy vọng thuyết phục được cử tri rằng mình mới là người đủ phẩm chất, năng lực để trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước. Theo ước tính, vẫn còn 9% cử tri chưa biết bỏ phiếu cho ai - một con số có thể đóng vai trò không nhỏ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Chiến dịch tranh cử của bà Clinton xem cuộc tranh luận là cơ hội để cựu ngoại trưởng trình bày những điều bà hy vọng đạt được khi làm tổng thống, cũng như tái trấn an những người ủng hộ mình. Không những thế, bà còn muốn thúc đẩy thông điệp xây dựng một nền kinh tế mang lại cơ hội đồng đều cho mọi người, như những gì phát biểu tại cuộc vận động mới đây tại TP Orlando, bang Florida: “Tại Mỹ, quốc gia vĩ đại nhất thế giới, chúng ta tin rằng mọi người đều bình đẳng”. “Bà Hillary Clinton dự định dùng cuộc tranh luận để bàn về những vấn đề tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống người dân” - bà Jennifer Palmier, phát ngôn viên của bà Clinton, cho biết thêm.
Đối với tỉ phú Trump, cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của ông vừa là kỳ sát hạch quan trọng vừa là dịp chứng tỏ mình là sự lựa chọn đáng tin cậy đối với những cử tri muốn thấy sự thay đổi. Trong nỗ lực đạt mục tiêu này, ông Trump gần đây tỏ ra kỷ luật hơn trong phát biểu và tập trung nhiều vào chủ đề “Làm cho nước Mỹ mạnh mẽ, an toàn và vĩ đại trở lại”.
Dù vậy, với không ít phát ngôn gây sốc và tranh cãi kể từ khi ra tranh cử, điều người ta không chắc chắn nhất lúc này là ông Trump sẽ xuất hiện tại cuộc tranh luận với diện mạo nào. Nếu không giữ được bình tĩnh, sự tập trung và bị sa đà vào thói quen công kích cá nhân, ông Trump sẽ khiến người ta thêm tin vào lập luận của đối thủ rằng ông không đủ phẩm chất để trở thành ông chủ Nhà Trắng. Khả năng này không phải là không có bởi, theo tờ The Washington Post, bà Clinton đang tập trung tìm hiểu hồ sơ tâm lý của đối thủ nhằm gây sức ép buộc ông này bộc lộ sự thiếu sót về những tính khí mà một tổng thống Mỹ cần phải có.
Nhiều thách thức
Trước thềm cuộc tranh luận, tỉ phú Trump một lần nữa thể hiện sự khó lường khi viết trên mạng Twitter hôm 24-9 rằng có thể mời người tình cũ Gennifer Flowers của cựu Tổng thống Bill Clinton đến dự buổi tranh luận - một chiêu được xem là khiến đối thủ mất tập trung. Tuy nhiên, ông Mike Pence, “phó tướng” của tỉ phú Trump, hôm 25-9 khẳng định bà Flowers sẽ không hiện diện tại cuộc tranh luận. Tờ The Washington Post nhận định ý tưởng trên chỉ khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến quá khứ “ăn chơi” và “không chung thủy” của chính ông Trump, đe dọa làm ứng viên này thêm mất điểm trong mắt cử tri nữ.
“Đây không phải là chuyện về hành vi của bà Clinton mà là những gì bà phải gánh chịu… Đối tượng cử tri mà ông Trump đang cần - phụ nữ da trắng có học thức - sẽ không thích điều này. Nó sẽ làm tổn thương ông ta” - bà Mary Anne Marsh, một nhà chiến lược của Đảng Dân chủ, nhận định về hành động của tỉ phú kết hôn 3 lần này.
Trong số 3 cuộc tranh luận từ giờ đến khi bầu cử diễn ra, cuộc tranh luận đầu tiên thường được nhiều người theo dõi nhất. Một số ước tính cho rằng có đến 100 triệu người theo dõi sự kiện tối 26-9 với hy vọng có được cái nhìn chính xác hơn về người mình sắp bầu chọn để lèo lái đất nước vượt qua không ít thách thức trong và ngoài nước. Lúc này, nỗi lo khủng bố gia tăng trong lòng nước Mỹ sau vụ nổ ở TP New York gần đây. Chưa hết, làn sóng bất ổn liên quan đến những vụ cảnh sát bắt chết người da màu đang lan rộng, cộng thêm một loạt vấn đề gai góc và gây chia rẽ khác như nhập cư, thương mại, chính sách thuế, vấn đề đối ngoại… Theo đài VOA, người xem không chỉ quan tâm đến những gì được nói ra mà còn cả cách truyền tải những nội dung đó và cách ứng viên phản ứng với đối thủ.
Bình luận (0)