Báo Đức Der Spiegel đưa tin Mỹ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002, trước khi bà làm thủ tướng. Vài tuần trước khi Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama đến thăm Berlin hồi tháng 6 năm nay, số điện thoại của bà vẫn còn trong danh sách theo dõi của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Xì-căng-đan trên đã tạo ra sự rạn nứt về ngoại giao lớn nhất trong quan hệ giữa Đức và Mỹ.
Tuy nhiên, báo Der Spiegel nhận định bản chất việc theo dõi điện thoại của Thủ tướng Merkel hiện vẫn chưa rõ ràng. Một đồng minh thân cận của bà Merkel cho biết thủ tướng Đức bị tổn thương với ý nghĩ bị chính người bạn Mỹ do thám. Người ta nói bà cảm thấy sốc khi Washington nhúng tay vào một hình thức theo dõi mà bà đã từng phải đối phó trước đây khi ở Đông Đức. Ngay khi mới nghe về chuyện theo dõi này, bà đã gọi điện cho TT Obama. Theo báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, TT Mỹ cam đoan ông không biết gì về việc theo dõi điện thoại này và đã xin lỗi bà. Người phát ngôn của bà Merkel cũng như Nhà Trắng đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo hãng tin Itar-Tass, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney thông báo rằng trước đó, TT Obama đã khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ đã không và sẽ không nghe lén các cuộc điện thoại của thủ tướng Đức. Điều đó có nghĩa TT Mỹ đã không phủ nhận đến cùng khả năng do thám điện tử đối với Thủ tướng Merkel.
Bình luận về xì-căng-đan NSA nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức, ông Stewart Baker - cựu giới chức an ninh nội địa Mỹ - cho rằng sự phản đối của bà Merkel hiện nay khác xa với phản ứng năm 2007 khi nhà lãnh đạo Đức đến Trung Quốc chẳng bao lâu sau khi xảy ra chuyện tin tặc Trung Quốc xâm nhập các mạng lưới máy tính của Đức. Ông Baker nói: “Khi bà có cơ hội chỉ trích việc (tin tặc Trung Quốc) xâm nhập máy tính của bà thì bà chỉ im lặng nuốt sự giận dữ vào lòng”.
Trong khi đó, đài CNN cho biết bà Lisa Monaco, cố vấn về an ninh nội địa và chống khủng bố của TT Obama, cho biết ông đã ra lệnh xem xét lại các chương trình theo dõi của Mỹ. Ông tuyên bố: “Chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta thu thập thông tin vì chúng ta cần chứ không phải vì chúng ta có thể”.
Phản đối quyết liệt Theo hãng tin Reuters, hơn 2.000 người đã tuần hành và biểu tình gần tòa nhà quốc hội ở Washington hôm 26-10 phản đối các chương trình giám sát điện tử của chính phủ Mỹ đã bị cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ. Sự kiện này được tổ chức bởi liên minh Stop Watching Us (Hãy ngừng theo dõi chúng tôi) - bao gồm khoảng 100 phong trào và tổ chức, như: Liên minh Quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU), Quỹ Biên giới điện tử, Chiếm Phố Wall (OWS)... Trong thư gửi quốc hội Mỹ, liên minh Stop Watching Us kêu gọi các nghị sĩ hành động ngay lập tức để chấm dứt hành động giám sát điện tử và giải thích về các chương trình thu thập dữ liệu của NSA và FBI. |
Bình luận (0)