Ông Hollande và bà Merkel dự kiến gặp gỡ nhà lãnh đạo Nga lúc 17 giờ ngày 6-2 (giờ địa phương) sau khi rời khỏi Kiev, nơi hai người đã thảo luận về kế hoạch hòa bình mới với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Nội dung cuộc thảo luận 3 bên này vẫn chưa được công bố.
Đài BBC nhận định đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới Moscow kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Đức có thể đã nhìn thấy một số hy vọng về khả năng các bên đạt được thỏa hiệp để chấm dứt giao tranh ở miền Đông Ukraine.
Một phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ đề cập tới giải pháp nhanh nhất để kết thúc cuộc chiến ở Đông Nam Ukraine. Moscow kỳ vọng cuộc hội đàm với ông Hollande và bà Merkel sẽ mang tính chất “xây dựng”.
Theo nguồn tin chính phủ Đức, một vấn đề có thể cản trở nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình là phe ly khai đã kiểm soát thêm hàng trăm km vuông so với thời điểm đạt được thỏa thuận hòa bình ban đầu tại Minsk – Belarus ngày 5-9-2014. Vì thế, để hòa đàm nối lại, Kiev cần phải chấp nhận thực trạng này.
Dù vậy, ông Hollande cũng trấn an Ukraine khi khẳng định trong một cuộc họp báo trước khi tới Moscow rằng Pháp sẽ đề xuất giải pháp cho cuộc xung đột dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói về triển vọng của cuộc đàm phán: “Tôi không muốn nói về cơ hội (thành công). Ở giai đoạn này, phải nói từ “hy vọng” chứ không phải cơ hội”.
Tờ Süddeutsche Zeitung (Đức) dẫn nguồn tin cho biết hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cùng đề nghị “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và “Kiev sẽ cung cấp quyền tự trị lớn hơn cho phe ly khai thân Nga tại miền Đông”. Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ cảnh báo Tổng thống Putin về khả năng mở rộng các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không chịu hợp tác.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Đức bác bỏ các thông tin “bịa đặt” trong bài báo nói trên. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cũng nhấn mạnh Kiev sẽ không xem xét bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà không ưu tiên toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của nước này.
Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên cho biết việc 2 nhà lãnh đạo Đức - Pháp chủ động "xuất mã" là nhằm phủ đầu khả năng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine. Tại cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra ngày 5-2 ở Brussels, nhiều quốc gia như Đức, Anh, Hà Lan, Đan Mạch... bày tỏ bất bình trước ý định của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Bình luận (0)