Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 5-2 chi tiết hóa việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh mới trên cơ sở điều động luân phiên. Trong khi đó, Mỹ cam kết hỗ trợ lực lượng này với máy bay thu thập thông tin tình báo cùng nhiều trợ giúp khác.
NATO quyết định tăng gấp đôi số lượng quân thường trực từ 13.000 lên 30.000 binh lính, được dẫn đầu bởi lực lượng phản ứng nhanh - gồm 5.000 quân, chia thành 3 lữ đoàn bộ binh và một số đơn vị không quân, hải quân cùng các lực lượng đặc biệt; luôn trong trạng thái sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ tại mọi khu vực lãnh thổ của NATO.
“Đó là những gì chúng tôi đã làm ngày hôm nay. Chúng tôi đã chuyển các yếu tố quan trọng của kế hoạch đó thành hiện thực” - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói và cho biết thêm đây là đợt "củng cố khả năng phòng thủ tập thể lớn nhất" của khối kể từ Chiến tranh Lạnh cách đây 25 năm.
Các quan chức NATO nói rằng lực lượng phản ứng nhanh nhằm chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Đông. Tư lệnh hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove, khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợtrong khả năng có thể, bao gồm tình báo, giám sát, hậu cần và vận chuyển bằng đường hàng không.
Các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc NATO đã hoàn tất kế hoạch thiết lập trung tâm chỉ huy tại Ba Lan, Romania, Bulgaria và 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania. Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha sẽ luân phiên chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh. Anh sẽ dẫn dắt lực lượng này trong năm 2017.
NATO gia tăng hiện diện ở Đông Âu là "việc rất đáng lo", theo Bộ Ngoại giao Nga, và Moscow sẽ "tính toán điều này trong các kế hoạch quân sự của mình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẵn sàng hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong thời gian diễn gia Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào 7-2. Ông Stoltenberg nói: “Thời điểm khó khăn hiện nay, điều quan trọng là phải tiếp tục các kênh đối thoại cởi mở. Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Binh lính Ukraine giữ chặt súng trước xe buýt chuẩn rời khỏi thị trấn Debaltseve, miền Đông Ukraine.
Ảnh: AP
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ sớm quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Kiev chiến đấu chống lực lượng ly khai ở miền Đông. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Kiev ngày 5-2, ông Kerry nói Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao nhưng "không nhắm mắt làm ngơ" trước xe tăng và binh lính Nga vượt qua biên giới Ukraine.
Theo Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove, cần phải xét đến phản ứng gay gắt từ phía Nga trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga hôm 5-2 đã tuyên bố Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine tức là đe dọa an ninh Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cho rằng trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine để chống lại phe ly khai không phải là một giải pháp thích hợp cho Liên hiệp châu Âu (EU) hay Ý.
Theo Ngoại trưởng Kerry, Tổng thống Obama sẽ đưa ra quyết định về cung cấp vũ khí cho Kiev sau khi sáng kiến hòa bình Đức - Pháp được gửi đến Tổng thống Putin vào ngày 6-2. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Kiev vào ngày 5-2 (giờ địa phương) rồi sang Moscow hôm 6-2 với một "sáng kiến hòa bình mới".
Cả Tổng thống Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đang chờ đón 2 nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu này.
Bình luận (0)