Trong những diễn biến mới nhất, bộ trưởng quốc phòng 2 nước Canada và Pháp đều đã tuyên bố nước của họ không có ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine và cho biết họ vẫn đang tìm kiếm những giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Ngày 5-2, phát biểu tại phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tại Brussels - Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Robert Nicholson nhắc các phóng viên rằng Ottawa “đã cung cấp vũ khí phi sát thương cho Ukraine” theo Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời khẳng định Ottawa vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Kiev theo hướng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Robert Nicholson. Ảnh: Reuters
Trong cuộc gặp ông ông Nicholson ở Paris ngày 4-2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian cũng khẳng định: “Chúng tôi không có ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine ở thời điểm này”. Đồng thời, ông Le Drian nhắc lại lập trường của Pháp rằng phải có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay, dù vậy châu Âu vẫn phải tiếp tục “mạnh tay” với những giải pháp trừng phạt Nga.
Ông Le Drian nói: “Sự liên quan của Nga với những phần tử ly khai Ukraine là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ tiếp tục những biện pháp trừng phạt nhưng cũng phải bằng mọi cách tránh làm cho tình hình đã tệ lại càng tệ hơn”.
Các thành viên chính phủ Pháp nghe Tổng thống Francois Hollande phát biểu
ở điện Elysee hôm 5-2. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 5-2, các nhà lãnh đạo của 2 nước Đức và Pháp thông báo họ sẽ cùng bay đến Kiev và Moscow với một sáng kiến ngoại giao mới “chấp nhận được với tất cả các bên” để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ý tưởng về những chuyến thăm này của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande được đưa ra giữa lúc giao tranh ở miền Đông Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt với ưu thế dần thuộc về phe ly khai.
Ông Hollande phát biểu trong một cuộc họp báo: “Cùng với bà Angela Merkel, chúng tôi quyết định một sáng kiến mới. Chúng tôi đã thảo ra một giải pháp mới dựa trên tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Theo kế hoạch, ông và bà Merkel gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Kiev trong ngày 5-2 và cả hai sẽ cùng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 6-2.
Điện Kremlin đã xác nhận chuyến thăm này của bà Merkel và ông Hollande. Người phát ngôn của điện Kremlin- ông Dmitry Peskov - nói với các hãng thông tấn Nga rằng các nhà lãnh đạo sẽ cùng thảo luận những bước quan trọng nhất để giải quyết bất đồng.
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Nguồn: Reuters
Trong khi đó, Washington cũng đã bắt đầu có những phát biểu liên quan đến việc liệu có cấp vũ khí cho Ukraine hay không. Ngày 4-2, ông Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp nhậm chức, cho biết ông ủng hộ cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.
Khi trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ John McCain - về việc liệu có ủng hộ chuyển giao “vũ khí phòng vệ” cho Kiev hay không, ông Carter nói rằng ông ủng hộ nhưng chưa thể nói cụ thể Washington nên cung cấp những loại vũ khí nào. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Barack Obama đang nghiêng về khả năng sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Dù không có kế hoạch đến Moscow như ông Hollande và bà Merkel nhưng trong ngày 5-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đến thăm Kiev để hội đàm với Tổng thống Poroshenko và các quan chức khác của Ukraine.
Giới quan sát cho rằng chuyến thăm của ông chỉ mang ý nghĩa ủng hộ về mặt ngoại giao cho Ukraine nhiều hơn là về mặt quân sự. Các quan chức Mỹ nói rằng ông Kerry hứa sẽ viện trợ nhân đạo cho Ukraine 16.4 triệu USD giữa lúc Ukraine đang kiệt quệ về tài chính.
Ông Kerry đến Kiev trong ngày 5-2. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko. Ảnh: Reuters
Trước đó vào ngày 4-2, Tổng thống Poroshenko lại lên tiếng kêu gọi các quốc gia trong khối quân sự NATO cung cấp vũ khí. Trả lời phỏng vấn một tờ báo của Đức, ông nói rằng tình trạng bạo lực leo thang cùng con số thương vong tăng cao ở khu vực miền Đông là lý do để NATO nên hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
Những người ủng hộ phương Tây cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ có tác động tích cực là khiến ông Putin phải tăng chi phí cho việc theo đuổi những mục tiêu của Nga. Trong khi đó, những người phản đối cung cấp vũ khí lo ngại rằng mâu thuẫn leo thang sẽ khiến NATO và Nga rơi vào tình trạng đối đầu và chạy đua vũ trang như Chiến tranh lạnh trước đây.
Bình luận (0)