Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, tính đến tháng 3-2017, quốc gia này có khoảng 900.000 con lợn rừng, tăng gần gấp 3 lần so với những năm 1990. Trong vòng 1 năm gần nhất (tính tới tháng 3-2018), những cuộc đụng độ giữa người và lợn rừng đã làm 76 người bị thương.
Sử dụng lưới và bẫy, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương phát động chiến dịch chống lợn rừng. Vậy điều gì sẽ xảy ra với xác của chúng? Theo nữ thợ săn Etsuko Nishikiori, đa phần thợ săn - đặc biệt là những người lớn tuổi - không mang xác chúng về vì công đoạn làm thịt rất tốn thời gian, công sức. "Họ thường bắt, giết và chôn chúng ngay tại chỗ" - bà Nishikiori chia sẻ.
Các sản phẩm làm từ thịt lợn rừng được bày bán tại cơ sở chế biến thịt rừng Yama no Megumi ở TP Atami, tỉnh Shizuoka – Nhật Bản Ảnh: KYODO
Đến từ TP Atami, tỉnh Shizuoka, bà nội trợ 48 tuổi kiêm thêm nghề thợ săn từ 4 năm trước sau khi đàn gà bà nuôi bị một con lợn rừng ăn thịt. Để giải quyết tình trạng lãng phí thịt lợn rừng, bà Nishikiori cùng một nhóm bạn thành lập cơ sở chế biến "Yama no Megumi" (tạm dịch: Tặng vật của núi) vào tháng 10-2017.
Tại đây, thịt thú rừng được làm sạch và chặt nhỏ hoặc chế biến thành xúc xích để bán tại các cửa hàng địa phương cũng như trên mạng. Với những thợ săn mang "chiến lợi phẩm" đến Yama no Megumi, họ có thể chọn lấy 2.000 yen/con (18 USD) hoặc 50% lượng thịt của nó. Trong năm đầu hoạt động, cơ sở này tiếp nhận khoảng 80 con lợn rừng và một vài con nai.
Theo tờ Japan Times, để được cấp chứng chỉ săn thú rừng, ứng viên phải tham gia các lớp huấn luyện và thi thố. Sau khi có chứng chỉ, họ phải đăng ký với giới chức địa phương để trở thành thợ săn hợp pháp. Có thể nhận thấy tình hình dân số suy giảm và già hóa ở Nhật Bản qua đội ngũ thợ săn.
Theo Bộ Môi trường, phần lớn trong số hơn 190.000 thợ săn nước này trên 60 tuổi. Điều thú vị là xu hướng các bà nội trợ trở thành thợ săn ngày càng phổ biến. Trong giai đoạn 2000-2015, số lượng nữ thợ săn tăng gấp 4 lần, chạm mốc 4.200 người.
Bình luận (0)