Chính phủ Myanmar ngày 8-4 đã ân xá khoảng 4.000 tù nhân, trong đó có tù nhân chính trị, trước dịp lễ hội năm mới ở nước này. Thân nhân và các nhà hoạt động tụ tập bên ngoài nhà tù Insein, gần Yangon, để đón những người mới được tự do.
Cùng ngày, 69 sinh viên được phóng thích khỏi nhà tù Tharyawaddy ở vùng Bago sau khi tòa án quyết định không xét xử họ vì những cáo buộc liên quan đến chính trị.
Trước đó 1 ngày, chính phủ nước này đã thông báo ý định trả tự do cho tù chính trị, bao gồm cả các nhà hoạt động sinh viên mà không hỏi ý kiến Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia (NDSC) do quân đội kiểm soát.
Sau cuộc họp đầu tiên của nội các mới hôm 7-4, bà Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) cầm quyền - đã bắt đầu hành động với quyền lực mới có trong tay. “Tôi sẽ cố gắng phóng thích ngay các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động chính trị và sinh viên đang đối mặt với phiên tòa xét xử liên quan đến chính trị” - tuyên bố của bà Suu Kyi nêu rõ.
Bà cũng cho biết động thái này là ưu tiên đối với chính quyền của tân Tổng thống Htin Kyaw. Phát ngôn viên văn phòng tổng thống Myanmar, ông Zaw Htay, khẳng định với báo The Myanmar Times: “Như thông báo đã xác nhận, đây sẽ là hành động đầu tiên của chính phủ mới”.
Mục tiêu của chính phủ là phóng thích hết tù nhân chính trị, nhà hoạt động đang chờ xét xử trước khi lễ hội năm mới của người Myanmar bắt đầu vào ngày 11-4. Theo một số thống kê, Myanmar hiện có 90 người bị kết án vì phạm các tội liên quan đến chính trị, trong lúc 418 người chờ xét xử.
Hiện chưa rõ số lượng tù nhân chính trị được phóng thích ngày 8-4. Ngoài ra, đài BBC cho biết không chắc những đối tượng nào được xem là tù chính trị theo thông báo ân xá và liệu bước đi này có áp dụng cho các phần tử nổi dậy ở Myanmar hay không.
Quân đội hiện kiểm soát 3 bộ chủ chốt, trong đó có Bộ Nội vụ quản lý các nhà tù và họ chưa có phản ứng nào. Dù vậy, quan hệ giữa NLD và quân đội bắt đầu căng thẳng sau khi quốc hội thông qua dự luật lập ra vị trí “cố vấn nhà nước” (tương đương thủ tướng) cho bà Suu Kyi.
Các đại diện của quân đội tại hạ viện tẩy chay cuộc bỏ phiếu hôm 5-4 cũng như tỏ thái độ không hài lòng vì “không được biết trước” về dự luật. “Mối quan hệ giữa NLD và quân đội sẽ không tốt đẹp trong tương lai” - cựu trung tướng Khin Zaw Oo, nhân vật hiện vẫn gần gũi với các lãnh đạo quân đội, nhận định với báo The Wall Street Journal.
Người ta đang chờ xem bà Suu Kyi sẽ còn làm gì ngoài việc phóng thích các tù nhân. Theo tờ The New York Times, vị trí cố vấn nhà nước sẽ giúp bà củng cố ảnh hưởng trong cả hệ thống hành pháp và lập pháp của Myanmar vốn đã do các đồng minh của bà nắm giữ.
Ngoài ra, bà còn giữ chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Điều đó có nghĩa là bà sẽ nắm quyền kiểm soát văn phòng tổng thống, quyết định chính sách ngoại giao cũng như điều phối mọi hoạt động, can dự vào mọi quyết sách của các bộ - ngành...
Trong động thái trấn an quân đội, ông Win Htein, một thành viên cao cấp của NLD và là người thân cận của bà Suu Kyi, khẳng định bà sẽ không làm gì trái với hiến pháp.
Về đối ngoại, qua sự kiện tân Ngoại trưởng Suu Kyi mời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sang thăm Myanmar vừa rồi, giới phân tích nhận định chính phủ mới tại Myanmar thừa nhận vai trò quan trọng của Bắc Kinh. Theo đó, 2 nước này vẫn cần nhau và sẽ tái cân bằng quan hệ song phương nhưng Myanmar sẽ điều chỉnh để không bị thua thiệt.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 6-4 gọi điện hoan nghênh bà Suu Kyi về những nỗ lực chuyển giao quyền lực hòa bình ở Myanmar cũng như đạt được sự hòa hợp dân tộc tại nước này.
Bình luận (0)