Theo Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC) ngày 10-11, NLD giành tới 78/88 ghế hạ viện và 97/107 ghế tại các hội đồng lập pháp địa phương đã có kết quả kiểm phiếu. Kết quả bầu cử thượng viện vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, dựa trên kết quả kiểm phiếu mà NLD tiến hành tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, đảng này cho biết có thể giành được hơn 2/3 số ghế tại quốc hội (không tính 25% số ghế giành cho quân đội), thừa điều kiện để lập ra chính phủ dân chủ đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960.
Theo ông Win Htein - người phát ngôn NLD, đảng này sẽ giành hơn 250 ghế/330 ghế tại hạ viện (cơ quan này có 440 ghế, trong đó 110 ghế giành cho quân đội). Tuy nhiên, ông này cũng lên tiếng cáo buộc MUEC cố tình trì hoãn công bố kết quả cuộc tổng tuyển cử nói trên.
Người ủng hộ đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) tại trụ sở đảng ở TP Yangon hôm 9-11. Ảnh: Reuters
Kết quả trên, nếu được xác nhận, sẽ mang lại nhiều quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi, cũng như định hình lại cảnh quan chính trị đất nước.
Cuộc bầu cử ngày 8-11 đánh dấu một bước ngoặt trên con đường tiến tới dân chủ vốn gặp nhiều sóng gió của Myanmar khi chính phủ quân sự đã nắm quyền quá lâu. Sau nhiều thập niên Myanmar nằm dưới quyền lãnh đạo của quân đội, cuộc tổng tuyển cử lần này được đánh giá là dân chủ nhất trong 25 năm qua.
Một vấn đề được bàn luận hiện nay là ai sẽ làm tổng thống Myanmar trong trường hợp NLD giành được đa số ghế quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ? Trả lời đài Channel News Asia (Singapore) ngày 10-11, bà Aung San Suu Kyi khẳng định bà sẽ là người chỉ đạo tổng thống được bổ nhiệm vì bà là lãnh đạo đảng NLD.
Theo bà, tổng thống được chọn sẽ "không có quyền hành gì" và chỉ được bổ nhiệm để "đáp ứng các yêu cầu của hiến pháp".
"Người này phải hiểu rõ rằng ông ta sẽ không có quyền gì, thay vào đó phải hành động theo các quyết định của đảng. Điều này rất hợp lý bởi ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, lãnh đạo của đảng thắng cử sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ. Nếu hiến pháp (Myanmar) không cho phép điều này, chúng tôi phải tìm cách sắp xếp sao cho đúng với các quy tắc dân chủ thông thường" - bà giải thích, đồng thời đảm bảo chính phủ sẽ vẫn vận hành đúng đắn.
Khi được hỏi điều này có dẫn đến độc tài hay không, bà Suu Kyi khẳng định NLD sẽ không trượt theo con đường đó vì sức mạnh của họ dựa vào sự ủng hộ của nhân dân.
Trước đó, ngày 8-11, ngay trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, bà Aung San Suu Kyi đã nói bà muốn giữ vị trí "cao hơn cả tổng thống", bất chấp việc hiến pháp cấm người có chồng con mang quốc tịch nước ngoài như bà làm tổng thống. Ông Win Htein, trợ lý gần gũi của bà Suu Kyi, cho biết tổng thống được bổ nhiệm sẽ sẵn sàng nhường vị trí lãnh đạo cao nhất cho bà Suu Kyi khi hiến pháp được sửa đổi.
Nữ thủ lĩnh phe đối lập Myanmar cũng nhấn mạnh phải hợp tác với quân đội - vẫn sở hữu 25% số ghế quốc hội - và các cơ quan khác. "Sự hợp tác không xảy ra sau một đêm mà phải bồi đắp từ từ. Đặc biệt là không hợp tác theo lý thuyết suông mà phải tùy theo tình hình. NLD từng nói 25% kể trên phải chấm dứt khi thời điểm phù hợp, bởi nó không phù hợp với các quy tắc dân chủ. Tuy nhiên, chúng tôi phải đàm phán dựa trên tình thần hòa giải và phải đàm phán ngay khi chúng tôi lập được chính phủ" - bà nói thêm.
Bình luận (0)