Theo báo Myanmar Times, tính đến đợt công bố lúc 23 giờ 30 (giờ địa phương) hôm 9-11, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi Việc giành được 49 ghế hạ viện (chưa kiểm phiếu ghế thượng viện), 47 ghế nghị viện vùng. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) chỉ có 3 ghế hạ viện và 3 ghế nghị viện vùng. Đảng Dân chủ Wa được 1 ghế hạ viện, 2 ghế nghị viện vùng; và đảng Dân chủ bang Kachin (KSDP) được 1 ghế hạ viện.
Kết quả này báo hiệu một chiến thắng vang dội cho NLD trong cuộc tổng tuyển cử một ngày trước đó, nhiều khả năng không chỉ giúp NLD kiểm soát quốc hội mà còn nắm chắc vị trí tổng thống.
Trước khi kết quả được công bố, ông Win Htein, phát ngôn viên NLD, tự tin cho biết kết quả kiểm phiếu không chính thức cho thấy đảng này đang giành đến hơn 70% số phiếu. Một kết quả như thế, nếu được xác nhận, không chỉ bảo đảm NLD kiểm soát quốc hội mà còn nắm chắc vị trí tổng thống.
Chiến thắng áp đảo của NLD còn được thể hiện qua việc Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền tự nhận thất bại trước khi kết quả sơ bộ được công bố.
Ông Htay Oo, Chủ tịch USDP kiêm đồng minh thân cận của Tổng thống Thein Sein, cho biết đảng ông sẽ chấp nhận vô điều kiện kết quả cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau 25 năm qua tại Myanmar. Không lâu sau tuyên bố trên, bản thân ông Htay Oo cùng một số nhân vật cao cấp khác của USDP, kể cả đương kim Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, lần lượt bị mất ghế quốc hội về tay các đối thủ.
Tuy nhiên, trong lời phát biểu đầu tiên trước những người ủng hộ tại trụ sở của NLD ở TP Yangon sau cuộc bầu cử, bà Suu Kyi vẫn thận trọng nói còn quá sớm để ăn mừng, đồng thời thúc giục người ủng hộ bình tĩnh đợi kết quả chính thức.
“NLD đang dẫn đầu nhưng chúng tôi chưa chắc chắn giành được đủ số ghế quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ mà không phải liên minh với đảng nào khác” - ông Han Tha Myint, phát ngôn viên kiêm quan chức cấp cao của NLD, khiêm tốn nói.
Cho dù kết quả có ra sao thì cuộc tổng tuyển cử nói trên sẽ không dẫn đến một Myanmar hoàn toàn dân chủ, theo nhận xét của giới phân tích. Bản hiến pháp do quân đội soạn thảo bảo đảm thành viên các lực lượng vũ trang có được 25% trong số 664 ghế trong quốc hội. Ngoài ra, quân đội có quyền lật đổ chính phủ trong một số tình huống nhất định cũng như kiểm soát nền kinh tế thông qua các công ty lớn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9-11 nhận định cuộc bầu cử ở Myanmar là một bước tiến quan trọng nhưng “chưa hoàn hảo”. Ông Kerry cảnh báo “những trở ngại lớn về cấu trúc và hệ thống” đang ảnh hưởng đến quá trình mang lại dân chủ trọn vẹn cho quốc gia Đông Nam Á này sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.
Tờ Bangkok Post cũng nhận định vẫn còn một chặng đường dài để Myanmar thật sự dân chủ. “Dân chủ chỉ thật sự bén rễ (ở Myanmar) nếu quân đội không tham gia chính trị và mọi công dân có quyền lên tiếng bất kể sắc tộc của mình. Tiếc là 2 yếu tố chính này sẽ không sớm thành hiện thực” - tờ báo nhận định.
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, quốc hội mới và quân đội sẽ đề cử 3 ứng viên, rồi bầu chọn 1 người làm tổng thống. Hai người còn lại sẽ trở thành phó tổng thống. Trong trường hợp NLD giành được ít nhất 67% số ghế còn lại thì bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, vẫn không thể trở thành tổng thống do có chồng và con là người nước ngoài.
Đối mặt quy định này, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ nắm giữ vị trí “cao hơn cả tổng thống”. Vì thế, hãng tin Reuters nhận định một thời kỳ không chắc chắn có thể chờ đợi Myanmar phía trước bởi hiện chưa rõ bà Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực ra sao với quân đội.
Bình luận (0)