Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên bán đảo Kamchatka ở miền Viễn Đông. Tạp chí Newsweek đánh giá vụ thử này đánh dấu thành công và là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của Nga do dự án tên lửa Bulava đã từng gặp trắc trở trong suốt 1 thập kỷ, kể từ năm 2004.
Đáng nói hơn, tàu ngầm Yury Dolgoruky là một trong những tàu chiến quan trọng nhất của Nga ở miền Bắc nước này - khu vực được Moscow ưu tiên phát triển về quân sự trong chiến lược tái tăng cường sức mạnh. Đây hiện là nơi hoạt động của Hạm đội Phương Bắc hùng mạnh thuộc Hải quân Nga và Moscow cam kết gia tăng sự hiện diện tại đó vào năm 2030.
Buổi tập luyện của binh sĩ thuộc Lữ đoàn Bắc Cực 80 thuộc hạm đội phương Bắc của Nga Ảnh: NBC NEWS
Nga thuộc số vài quốc gia có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở vùng Bắc Cực giàu tài nguyên thiên nhiên bên cạnh 5 thành viên NATO là Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Kênh NBC News nhận định: Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga có động thái tăng cường lực lượng quân sự ở Bắc Cực lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, như triển khai một hạm đội tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, mở lại các căn cứ quân sự thời Liên Xô và xây dựng thêm cơ sở.
Theo trang tin UNIAN, Bộ Quốc phòng Nga gần đây công bố ảnh chụp một căn cứ quân sự mới của Nga ở Bắc Cực, nơi 150 quân nhân có thể lưu trú trong suốt 1 năm rưỡi.
Trong nỗ lực tăng cường kiểm soát khu vực này, Moscow còn thành lập Bộ Chỉ huy Chiến lược chung Bắc Cực vào năm 2014. Ngoài ra, tại cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ hồi tháng 5 vừa qua, Nga lần đầu tiên phô diễn các hệ thống phòng không Tor-M và Pantsir SA được sơn đen - trắng, màu quân phục lực lượng Bắc Cực của nước này.
Theo trang tin news.com.au, nỗi lo lúc này là một vùng biển nhỏ ở Bắc Cực có thể trở thành điểm nóng kế tiếp trong cuộc đối đầu toàn cầu giữa Mỹ và Nga. Người dân trên hòn đảo nhỏ Vardo của Na Uy đã chứng kiến hoạt động quân sự gia tăng thông qua việc nâng cấp hệ thống radar Globus III trị giá 120 tỉ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Phát ngôn viên quân đội Na Uy nhấn mạnh: "Mục đích của trạm radar này là theo dõi, phân loại các vật thể trên không trung, giám sát lợi ích quốc gia của chúng tôi ở vùng cực Bắc và thu thập thông tin về hoạt động trên không gian".
Ngoài ra, dự án được cho là sẽ giúp cải thiện khả năng giám sát của Mỹ. Ông Lasse Haughom, cựu lãnh đạo chính quyền đảo Vardo, nhận định hòn đảo này nói riêng và Na Uy nói chung đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp Mỹ "để mắt đến những gì người Nga đang làm".
Dĩ nhiên, Moscow không vui chút nào bởi hệ thống radar nói trên chỉ cách bán đảo Kola, địa bàn của hạm đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Nga, khoảng 30 km. Moscow thậm chí còn chỉ trích Oslo đứng về phía Washington. "Na Uy phải hiểu rằng khi trở thành tiền đồn của NATO, nước này sẽ phải đối mặt Nga và sức mạnh quân sự Nga. Vì thế, sẽ không còn có một Bắc Cực thanh bình nữa" - Đại sứ Nga tại Oslo Teimuraz Ramishvili lên tiếng cảnh báo.
Bình luận (0)