Bắc Kinh vào tuần trước thông báo cách chức ông Vương Chí Dân và bổ nhiệm người thay thế là ông Lạc Huệ Ninh, từng là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn Tây và tỉnh Thanh Hải.
Theo giới quan sát, việc chính quyền Trung Quốc thay chủ nhiệm LOCPG bằng nhân vật không có nhiều kinh nghiệm về Hồng Kông nhưng từng là bí thư tỉnh ủy ở hai tỉnh từng có biến động cho thấy Bắc Kinh quyết tâm thiết lập lại chính sách đặc khu này.
Năm 2016, ông Lạc Huệ Ninh được Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa về để đứng đầu tỉnh Sơn Tây, nơi có nhiều bất bình của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng tràn lan. Tại đây ông thực hiện những biện pháp chấn chỉnh và ổn định trật tự xã hội.
Tân chủ nhiệm LOCPG Lạc Huệ Ninh. Ảnh: SCMP
Việc bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh gây bất ngờ ngay cả với một số thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc vì dường như ông không hoàn toàn phù hợp với vị trí đó, theo tờ South China Morning Post ngày 6-1. Một nguồn tin tiết lộ Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ có quyết định cuối cùng sau chuyến đi tới Macau trong tuần thứ ba của tháng 12.
Ngay cả những lãnh đạo làm việc trực tiếp với ông Lạc Huệ Ninh cũng chỉ nhận được thông báo trước chưa đầy 1 giờ trước khi Tân Hoa Xã loan tin. Nguồn tin này kể rằng nhiều người còn thắc mắc tại sao ông Vương Chí Dân không có mặt trong buổi họp giao ban.
Nhận định về động thái của ông Tập Cận Bình, ông Đặng Duật Văn - cựu phó Tổng biên tập tờ Học tập Thời báo - cho rằng Chủ tịch Trung Quốc muốn bảo đảm ông chọn đúng người phù hợp nhất, ngay cả khi phải bẻ cong quy tắc như vấn đề tuổi nghỉ hưu. "Ông Tập Cận Bình tin rằng tuổi tác không phải là một vấn đề lớn, miễn là người đó khỏe mạnh và phù hợp với công việc" – ông Đặng nói.
Động thái bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh khá bất ngờ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ông Lạc Huệ Ninh vừa bước sang tuổi 65 vào tháng 10 năm ngoái (các quan chức thường không còn nắm vị trí chủ chốt ở tuổi 65). Cuối tháng 12-2019, ông Lạc Huệ Ninh nhận quyết định trở thành Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (vị trí nhẹ nhàng hơn trước khi chính thức nghỉ hưu ở độ tuổi 68).
Ông Lạc Huệ Ninh chưa từng tham gia công tác ở vị trí liên quan đến Hồng Kông. Ngoài một chuyến thăm năm 2018, giữa ông với đặc khu chẳng có kết nối gì. Tuy nhiên, ông Lạc được đánh giá là người có năng lực khi quản lý qua hai tỉnh lớn là Thanh Đảo và Sơn Tây, cải tổ chính quyền địa phương, chống tham nhũng mạnh mẽ.
Ông Lạc nhậm chức mới vào thời điểm Hồng Kông đang trong cơn rối ren chính trị, với 7 tháng biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo một nguồn tin thì một lý do quan trọng khiến giới chức Bắc Kinh chọn cựu Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây là quan chức này chẳng có mối liên hệ gì với các cộng đồng tại Hồng Kông, do đó ông có thể đảm đương công việc mới thuận lợi hơn. Ông Đặng Duật Văn cho rằng điều đó sẽ giúp ông Lạc Huệ Ninh dễ dàng tiếp cận với các phân khúc khác nhau trong xã hội - bao gồm cả phe đối lập - và lắng nghe họ nói.
Ông Lạc Huệ Ninh gặp gỡ truyền thông Hồng Kông ngày 6-1. Ảnh: CHINA DAILY
Phó giáo sư Lý Hiểu Binh thuộc trường ĐH Nam Khai (TP Thiên Tân) đánh giá quyết định bổ nhiệm cho thấy quyết tâm giải quyết tình trạng bất ổn. "Chọn người từ hệ thống quan chức phụ trách Hồng Kông hay Macau là họ bị giới hạn trong khuôn khổ lẫn mạng lưới quan hệ hiện có. Thành tích trước đó chỉ ra rằng ông Lạc Huệ Ninh thường có nhiều giải pháp rất sáng tạo để giải quyết vấn đề" – ông Lý nói.
South China Morning Post dẫn lời ông Lạc Huệ Ninh nhắc lại ý Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu năm mới rằng sẽ không có ngôi nhà nào yên ổn nếu môi trường sống không ổn định. Tuy nhiên, ông Lạc Huệ Ninh không đề cập đến bất kỳ chiến lược nào để đạt được điều đó.
Ông Lạc Huệ Ninh cũng đồng quan điểm với Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi cho rằng duy trì "hệ thống một quốc gia, hai chế độ" sẽ mang đến nhiều lợi thế nhất cho Hồng Kông.
Bình luận (0)